Nhiều băn khoăn về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Sáng 21-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NOXH). Nội dung nghị quyết được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn trong việc triển khai xây dựng NOXH, hướng đến mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH giai đoạn 2021–2030

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Dự thảo đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia – một quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách hoạt động ở cả Trung ương và địa phương, với nguồn vốn từ ngân sách, đóng góp tự nguyện, khai thác quỹ đất hạ tầng kỹ thuật và các nguồn hợp pháp khác. Quỹ này sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc đầu tư, phát triển quỹ nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua.

Đáng chú ý, dự thảo cũng cho phép chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư các dự án NOXH không thông qua đấu thầu.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu (ĐB) đều thống nhất Quốc hội ban hành nghị quyết về NOXH, kỳ vọng nghị quyết sẽ kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, có cơ chế ưu đãi hơn, giảm bớt các trình tự, thủ tục để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng NOXH, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn NOXH.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM).jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) quan tâm đến vấn đề Quỹ Nhà ở quốc gia, đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa nguồn thu của quỹ và nguồn thu của ngân sách nhà nước cũng như chức năng đầu tư xây dựng của quỹ. Theo ĐB, việc thành lập quỹ là cần thiết nhằm huy động các nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, quy định về quỹ còn chung chung. Đây là một cơ chế mới rất quan trọng, nên cần nghiên cứu bổ sung và làm rõ các nội dung quy định về Quỹ Nhà ở quốc gia trong nghị quyết. Nếu thành lập ở cả Trung ương và địa phương thì cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của quỹ này ở từng cấp để đảm bảo huy động nguồn lực và thực hiện nội dung chi cho phù hợp theo từng cấp độ.

Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ, hiện nay, một số địa phương vẫn đang duy trì hoạt động của quỹ phát triển nhà ở, đơn cử như TPHCM. Nếu Quỹ Nhà ở quốc gia được thành lập tại địa phương mà vẫn tồn tại quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, thành thì cần đánh giá để tránh sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ hoạt động. Do đó, dự thảo nên quy định rõ việc tiếp tục duy trì hoặc điều chỉnh các loại quỹ này cho phù hợp, đồng thời cần tính toán để đảm bảo nguồn lực hoạt động của các loại quỹ này trong thực tế hiện nay.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, sáng 21-5. Ảnh QUANG PHÚC.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, sáng 21-5. Ảnh QUANG PHÚC

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lệ cũng nêu thực tế, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng đến việc xây dựng, khai thác các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mà chưa thực hiện nghĩa vụ dành quỹ đất trong dự án để xây dựng NOXH. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với việc này chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm tính răn đe, dẫn đến tình trạng trì hoãn thời gian đầu tư xây dựng NOXH, gây lãng phí nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung NOXH. Do đó, ĐB Nguyễn Thị Lệ đề nghị bổ sung các quy định về vấn đề này nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất NOXH và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương trong đẩy mạnh phát triển NOXH.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM).jpg
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM). Ảnh QUANG PHÚC

Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM), điều kiện để hưởng chính sách NOXH là rất khó theo quy định hiện hành. Ví dụ cán bộ, công chức TPHCM đều thuộc diện đóng thuế cá nhân (vì được hưởng chính sách thu nhập tăng thêm theo cơ chế chính sách đặc thù) nên không thuộc đối tượng được mua NOXH trong khi nhu cầu rất lớn. Hiện nay TPHCM khó ở 2 điểm: nguồn cung ít, ít người thuộc đối tượng được mua. Tới đây, khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ có nhiều cán bộ, công chức phải đi làm xa, nhưng vẫn sẽ khó thuộc đối tượng được mua NOXH. Do đó, ĐB đề xuất nghiên cứu thêm về điều kiện NOXH cho cán bộ, công chức, người lao động

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, thời gian thực hiện nghị quyết 5 năm là ngắn, đề nghị 8-10 năm để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư cũng như người thụ hưởng chính sách.

1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu, từ năm 2021 đến nay, cả nước mới chỉ hoàn thành 15,6% số dự án NOXH trong tổng số 657 dự án được triển khai. Trong khi đó, mục tiêu đề ra là đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030). Chính phủ cũng đã bố trí khoảng 120.000 tỷ đồng cho phát triển NOXH nhưng tiến độ giải ngân vẫn rất chậm, do thủ tục hành chính rườm rà và thiếu sự chỉ đạo quyết liệt.

"Muốn làm được dự án NOXH thì kéo dài 2 năm mới xong thủ tục. Lần này, Chính phủ dự kiến trình đơn giản hóa thủ tục, chấp nhận chủ trương đầu tư, không thông qua đấu thầu, cơ chế này để ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án NOXH. Thời gian thực hiện cơ chế này, dự kiến tối đa 75 ngày", Chủ tịch Quốc hội nêu.

2.jpg
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Ông cũng đề nghị Chính phủ làm rõ cơ chế xác định giá bán, giá thuê NOXH, quy định về đối tượng thụ hưởng, chính sách hoàn trả tiền sử dụng đất, hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư NOXH.

"Nếu đồng thuận cao thì Quốc hội sẽ thông qua sớm để đảm bảo trong năm 2025 sẽ triển khai ngay các dự án NOXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Tin cùng chuyên mục