Gia tăng bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nguy kịch

Ngày 18-3, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện trong tình trạng nguy kịch, với các biểu hiện khó thở, suy hô hấp và tổn thương phổi.

(SGGP).- Ngày 18-3, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện trong tình trạng nguy kịch, với các biểu hiện khó thở, suy hô hấp và tổn thương phổi.

Trong hai bệnh nhân này, có một cụ ông 61 tuổi (ở Khoái Châu, Hưng Yên) được đưa đến viện sau ngày thứ 6 với các dấu hiệu sốt, mệt mỏi và đau người; và trường hợp thứ hai là một bệnh nhân nữ 26 tuổi (ở Ngọc Lạc, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, phải thở máy.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, ngoài 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đang điều trị tại khoa, còn có một bệnh nhân nữ 79 tuổi ở Bắc Giang nhiễm cúm A/H1N1 bị viêm phổi, viêm cơ tim nặng đã được gia đình xin về vào đêm 17-3 vì khó qua khỏi. Cùng với đó là một bệnh nhi cũng đang phải thở máy trong tình trạng nguy kịch. Hầu hết các ca cúm A/H1N1 bị biến chứng viêm phổi, suy đa phủ tạng, diễn biến nặng thường là nhập viện muộn do chủ quan. Ngoài ra, trong khoảng hơn 1 tháng qua, trung bình mỗi ngày khoa phải tiếp nhận 3-5 bệnh nhân tới khám bệnh cúm, trong đó có không ít chùm ca bệnh, thậm chí có những gia đình 7-8 người cùng mắc bệnh cúm. Rất may là hầu hết trường hợp nhiễm cúm trong thời gian qua có diễn biến nhẹ, tự khỏi, chỉ có một số trường hợp biến chứng nặng gây viêm phổi.

* Ngày 18-3, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh này chính thức ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm A/H7N9 và nguy hiểm có khả năng lây sang người và ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp cụ thể triển khai thực hiện, theo các tình huống giả định sau: chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người; chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh; phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh và tình huống phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

Từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện bệnh cúm gia cầm ở 9 hộ/6 thôn của 6 xã thuộc 3 huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn với số gia cầm mắc bệnh chết tiêu hủy bắt buộc là 12.377 con.

QUỐC LẬP - NGHIÊM AN - NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục