Gia tăng dịch bệnh mùa mưa

Gia tăng dịch bệnh mùa mưa

Trong 2 tuần đầu tháng 8-2015, tại TPHCM đã có sự gia tăng trở lại của một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, hô hấp, đặc biệt là ở trẻ em. Trong khi mùa tựu trường năm học mới đang đến là nguy cơ cho các ổ dịch lây lan. Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện TPHCM nói riêng và các tỉnh Đông Nam bộ nói chung đang vào mùa mưa, thời điểm dễ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Tăng nhập viện bệnh nhi

Cho con nhập khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM từ hai ngày qua, chị Ph. (ngụ Bình Dương) như lửa đốt trong lòng lo cho sức khỏe con nhỏ. Theo bác sĩ điều trị, cháu bé bị mắc SXH độ II, xuất huyết dưới da, đi phân có máu, lại nhập viện trễ nên cần thời gian điều trị kéo dài… Theo Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 8 đến nay, mỗi ngày tiếp nhận từ 7.000 - 8.000 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị, trong đó chiếm một phần không nhỏ trẻ mắc SXH. Hiện trung bình mỗi tuần, khoa Nhiễm của bệnh viện điều trị nội trú khoảng 70 - 80 trẻ mắc SXH, có ngày số ca tăng cao hơn, chưa kể số trẻ điều trị ngoại trú. Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH cho biết, hiện số ca bệnh đã tăng cao, có ngày điều trị nội trú gần 100 trẻ, trong đó 60% là bệnh nhân thuộc các quận huyện trên địa bàn TPHCM và 40% bệnh nhân được chuyển đến từ các tỉnh phía Nam. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng ghi nhận 3 ca tử vong vì SXH tính từ đầu năm 2015 đến nay.

Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Sở Y tế TPHCM cho biết, dịch bệnh SXH có chiều hướng tăng trở lại do đang trong mùa mưa. Theo báo cáo của BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tuần đầu tháng 8-2015, toàn thành phố có 307 trường hợp nhập viện do mắc SXH, số ca nhập viện cao hơn 34% so với trung bình 4 tuần trước đó. “Xét về diễn tiến, số trường hợp mắc SXH nhập viện trong 4 tuần qua có xu hướng tăng dần mỗi tuần và với mức độ tăng nhanh hơn so với cùng kỳ 2014”, ông Dũng cho biết. Tính từ đầu năm đến nay, TPHCM có 6.432 ca mắc SXH nhập viện, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện các ổ dịch SXH đã được ghi nhận tại nhiều quận huyện, trong đó “điểm nóng” ở các quận: 8, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp.

Khống chế và phòng chống

 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH giảm 33,7%, tử vong 11 trường hợp (giảm 50,6%) so với trung bình cùng kỳ giai đoạn 2010-2014, nhưng hiện gia tăng cục bộ tại một số địa phương thuộc khu vực miền Nam như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng... Bộ Y tế nhận định tình hình SXH năm 2015 sẽ tăng cao nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.

 

Cùng với SXH, các bệnh dịch truyền nhiễm khác như hô hấp, tay chân miệng… cũng đang gia tăng ở TPHCM. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tuần đã điều trị nội trú trên 300 trường hợp, trong khi số giường thực kê ở Khoa Hô hấp chỉ hơn 100 giường. “Đang quá tải bệnh hô hấp, bệnh viện phải kê thêm giường, thêm băng ca, nằm ghép 2 - 3 bé trên một giường”, một điều dưỡng cho biết. Ngoài điều trị tại khoa, theo BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, còn nhiều trường hợp nặng phải điều trị tại Khoa Cấp cứu. Cũng theo BS Anh Tuấn, hiện các bệnh viêm hô hấp dưới, viêm tiểu phế quản đang “tấn công” rất mạnh vào nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Nhóm trẻ trên 2 tuổi thường mắc các bệnh viêm phổi. Đặc biệt những trẻ có tiền căn các bệnh lý như tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, hen suyễn mạn tính… nguy cơ nhiễm bệnh càng cao, việc điều trị cũng khó khăn hơn.

Các chuyên gia y tế xác nhận cao điểm của các bệnh về đường hô hấp thường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, nhưng năm nay mới tháng 8 đã bùng phát mạnh. Do đó, tiên lượng các bệnh về đường hô hấp sắp tới còn phức tạp rất nhiều, đặc biệt khi bước vào năm học mới. Nhiều trẻ mắc bệnh khi đi học sẽ lây lan cho những trẻ khác trong lớp, khiến tình hình dịch bệnh càng trở nên khó lường hơn bao giờ hết… Bên cạnh đó, dịch bệnh tay chân miệng vẫn âm ỉ lây lan. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số ca tay chân miệng nhập viện trong tuần đầu tháng 8-2015 (tuần thứ 32) là 133 ca, cao hơn 27% số ca bệnh trung bình của 4 tuần gần nhất (từ tuần 29 đến tuần 32). Tính đến hết tuần thứ 32, toàn thành phố có 3.921 trường hợp bệnh tay chân miệng nhập viện.

Nhằm khống chế nguy cơ này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận vừa có chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc ngành y tế quyết liệt triển khai phòng chống SXH từ nay đến cuối năm. “Phải giảm số người mắc, người chết, giảm ổ dịch, khống chế không để xảy ra dịch lớn đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng”, chỉ thị nêu rõ. UBND TPHCM yêu cầu ngành y tế phải giám sát chặt chẽ ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ trong vòng 48 giờ. Trong tháng 8 này, Sở Y tế phải có trách nhiệm tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi, tuyên truyền kiến thức về phòng chống muỗi SXH cho cộng đồng tại tất cả các phường, xã.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống SXH như sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; lật úp các dụng cụ không chứa nước. Thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa/bình bông, bát nước kê chân chạn. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị (không tự ý điều trị tại nhà).

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục