Chỉ vì một chút nhẹ dạ cả tin mà nhiều cô gái đã sa chân vào cạm bẫy của những kẻ chuyên lừa đảo, dụ dỗ và bán người qua biên giới. Nhiều nạn nhân sau nhiều ngày tháng ê chề, cực khổ ở nơi đất khách quê người đã may mắn trốn thoát ra ngoài hoặc được cứu giúp, nhưng còn rất nhiều nạn nhân chưa thể tìm về quê hương gặp lại gia đình, người thân.
Lợi dụng lòng tin
Cô gái trẻ Nguyễn Thị K., quê ở Bắc Giang đã nghe theo lời rủ rê của một người hàng xóm để đi xuất khẩu lao động sang Malaysia. Vì còn quá trẻ, lại không biết tiếng bản xứ, nên khi họ đưa cho bản hợp đồng để ký, cô không biết công việc mình làm ra sao. Cô chỉ nhớ trước khi đi, người họ hàng có hứa hẹn sang bên đó sẽ làm việc nhà, lao động nhẹ nhàng, lương 5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, không phải cô được xuất khẩu lao động sang Malaysia như bao người mà thực chất là bị hàng xóm lừa bán cho một chủ trang trại gà.
“Sau khi sang đến bên đó, em được đưa vào một trang trại và ngoài nuôi gà, em còn phải làm mọi việc nhà cho ông chủ. Một ngày, em chỉ có 2-3 giờ để ngủ. Em không được ăn cùng gia đình ông chủ, phải ăn thức ăn thừa của họ để lại. Có lần, vì một con gà bị chết, ông chủ đã cột em bằng sợi xích rồi đánh đập” - cô kể lại. K. đã nhiều lần tìm cách bỏ trốn, nhưng 5 lần trốn đều bị bắt lại do ông chủ bố trí tới 5-6 chiếc camera theo dõi. Mỗi lần như vậy lại bị chủ trại đánh đập dã man. Trên cơ thể cô vằn vện hàng trăm vết roi. Chỉ tới khi bà mẹ vợ của chủ trại gà phát hiện sự việc, đã cứu giúp cô trốn thoát bằng cách cho vào cốp sau ô tô, chở đi tìm các cơ quan chức năng để liên hệ đưa về nước, cô mới thoát khỏi những tháng ngày cơ cực.
Đau lòng hơn là những nạn nhân bị bán vào các nhà chứa, ổ nhóm mại dâm, những em gái tuổi còn quá trẻ nhưng chỉ vì chút nhẹ dạ mà trở thành “mồi” của những kẻ buôn người. Đoàn Thị T., quê ở Thanh Hóa, cho biết: “Trong một lần cho bạn trai mượn chiếc xe đạp, bạn trai đã mang xe đạp đi cầm cố. Em sợ không dám về nhà. Bạn trai bảo muốn có tiền chuộc lại xe đạp thì ra Hà Nội kiếm việc. Em nghe theo. Tuy nhiên, cũng không biết bạn trai đưa đi đâu, chỉ biết đến một nơi xa lạ, có một người đàn ông lớn tuổi, tự xưng là chú của bạn trai rồi đưa em vào một nhà nghỉ”. Tại đây, cô đã bị ông chú cưỡng hiếp. Thực hiện hành vi đồi bại xong, T. bị đưa sang Trung Quốc, bán vào nhà chứa. Mỗi ngày T. phải tiếp khoảng 15-20 khách, ngay cả khi ốm cũng không được nghỉ. T. bị bán qua nhiều nhà chứa, cho tới một lần chủ chứa cử đi tiếp “khách” ở ngoài, cô mới chạy trốn được và tìm đến các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ.
Không chỉ trẻ em nữ bị lừa bán, mà cả trẻ em nam hiện nay cũng trở thành đối tượng của bọn buôn người, như trường hợp Phan Văn L., 21 tuổi, trú tại huyện Mường Khương (Lào Cai), bị các đối tượng dụ dỗ bán cho một chủ lò gạch ở tận huyện Dương Hà, tỉnh Tây Giang (Trung Quốc) từ năm 2007, vừa mới trốn thoát trở về. Em kể, một người bà cô họ đã rủ em đi sang Trung Quốc lao động. Đến nơi tập kết, em thấy ngoài em còn 4 bạn nam nữa. Sau mấy ngày luồn lách rừng, cả 5 người được đưa vào làm tại một lò gạch, nhưng ngoài tiền ăn hàng ngày, chủ lò gạch không trả bất kỳ một đồng lương nào. Chủ lò gạch cho biết, tiền công đã bị trừ vào tiền mua các em. Cứ làm ròng rã không công như thế suốt 5 năm liền, L. cùng một người bạn nữa mới trốn thoát được khỏi công trường lò gạch về nước.
Nhiều trường hợp bặt vô âm tín
Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, một trong những nơi đón nhận ban đầu các nạn nhân bị buôn bán được giải cứu trở về nước, Phó Giám đốc trung tâm Đoàn Thanh Liêm cho biết, số nạn nhân bị buôn bán được tiếp nhận liên tục gia tăng qua các năm. Cả năm 2011, trung tâm đã tiếp nhận 264 nạn nhân, nhưng 10 tháng đầu năm 2012 lên tới 337 nạn nhân. “Không ít nạn nhân khi được tiếp nhận vào trung tâm còn cố tình giấu địa chỉ thật, khiến chúng tôi đi xác minh rất vất vả” - ông Liêm chia sẻ. Lại có trường hợp ở Nam Định, trung tâm vừa tiếp nhận về buổi sáng thì chiều tối đã có 4-5 đối tượng đến nhận là người nhà của nạn nhân, xin đưa về. Nhưng qua xác minh, các đối tượng đó đều không phải người nhà, người thân của nạn nhân.
Theo ông Liêm, điều đáng buồn là cho tới nay, vẫn còn nhiều trường hợp bị lừa gạt, dụ dỗ khác, hoặc bị mất tích nghi do bán qua biên giới vẫn chưa thể liên lạc, tìm kiếm được. Mới đây, anh Nguyễn Thế Minh, ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh, có đơn trình báo Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Lạng Sơn về việc em gái mình là Nguyễn Thị Q. bị mất tích vào đêm 16-10. Gia đình chỉ biết Q. có quen biết một số thanh niên trên địa bàn TP Lạng Sơn, trao đổi số điện thoại di động. Vì vậy, “gia đình chúng tôi nghi ngờ em gái bị dụ dỗ sang Trung Quốc qua đường dây buôn bán người ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn” - anh Minh nói. Mặc dù rất nỗ lực, nhưng đến nay gia đình vẫn chưa tìm được Q.
Hoặc như trường hợp anh Vũ Văn Khanh ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên trình báo con gái là Vũ Thị Tr. bỗng dưng mất tích vào ngày 7-1-2012. “Ngày 7-1, con gái tôi đi học như bình thường, nhưng đến tối gia đình không thấy cháu về. Tôi gọi điện hỏi cô giáo chủ nhiệm, được biết, sáng cháu không đến lớp. Hôm sau, gia đình đi tìm và được biết, cháu Tr. được một người bạn cùng lớp rủ đi làm ăn xa. Nhưng gia đình tôi nghi ngờ cháu bị rủ rê đưa đi Trung Quốc. Bởi gia đình người bạn rủ cháu Tr. đi có một người họ hàng lấy chồng ở Trung Quốc gần 6 năm nay” - anh nói.
Theo Đại tá Lê Văn Chương, Phó chánh Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy (Bộ Công an), các trường hợp trên chỉ nằm trong số hàng ngàn nạn nhân bị buôn bán. Điều đáng lo là loại tội phạm buôn bán người là tội phạm ẩn, nên số nạn nhân còn mắc kẹt ở nước ngoài hiện nay có thể lên tới hàng ngàn người. Cuộc đấu tranh với tội phạm buôn bán người thật sự chông gai, phức tạp.
Trần Phúc