Gia tăng tranh chấp trong NAFTA phiên bản mới

Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới, phía Mỹ gọi là Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), tiếp tục trở thành vấn đề nóng, khi 3 nước đang bất đồng về việc ô tô phải được sản xuất ở Bắc Mỹ với hàm lượng như thế nào để đủ điều kiện được miễn thuế theo hiệp định.
Dây chuyền lắp ráp xe điện tại Mỹ
Dây chuyền lắp ráp xe điện tại Mỹ

Mâu thuẫn trong diễn giải hiệp định 

USMCA được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhằm thay thế thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ đã 25 năm tuổi (NAFTA). Ô tô và phụ tùng ô tô là một phần quan trọng của thương mại hàng hóa giữa Mỹ, Mexico và Canada trong hiệp định. Theo hãng tin Reuters, đây là cuộc xung đột thứ hai về thương mại ô tô trong 6 tháng qua giữa  ba nước. 

Bộ Kinh tế Mexico yêu cầu thành lập hội đồng giải quyết những khác biệt với Mỹ trong diễn giải và áp dụng USMCA thuộc nội dung xuất khẩu ô tô và quy tắc xuất xứ. Đồng quan điểm với Mexico, Canada cũng cho rằng Washington đã diễn giải không chính xác về hiệp định. Nếu được thành lập, hội đồng trên sẽ giải quyết tranh chấp, đưa ra phán quyết về cách giải thích của Washington liên quan đến các quy tắc xuất xứ ô tô theo Chương 31 của USMCA. Theo đó, đến năm 2025, 75% xe ô tô con hoặc xe tải nhẹ và các thành phần cốt lõi như động cơ hoặc hộp số phải được sản xuất ở Bắc Mỹ để tránh bị áp thuế. Đó là mức tăng đáng kể từ 62,5% theo quy định của NAFTA. Điều này có nghĩa các nhà sản xuất ô tô phải giảm việc sử dụng các phụ tùng được sản xuất ở nước ngoài - vốn có chi phí rẻ hơn. Tuy nhiên, do ô tô được tạo thành từ hàng ngàn bộ phận nên trọng tâm của mâu thuẫn là liệu ngành công nghiệp ô tô có thể “làm tròn” giá trị được tính toán đối với linh kiện nhỏ để đạt được quy tắc 75% hay không. Mỹ phản đối điều này và khẳng định không thể bỏ qua thành phần được sản xuất ở nước ngoài của các bộ phận nhỏ hơn. 

Nhận định về bất đồng trên, luật sư thương mại quốc tế Lawrence Herman cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đang phải chịu áp lực nặng nề từ các nghiệp đoàn của Mỹ, theo đó bảo vệ cách giải thích chặt chẽ hơn đối với các quy tắc về hàm lượng xe ô tô được sản xuất ở Bắc Mỹ. Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Canada, cảnh báo Mỹ đang ngày càng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, và dự đoán các nhà lắp ráp ô tô lớn của Mỹ sẽ đứng về phía Canada và Mexico trong cuộc tranh chấp này. Ông Herman nhận định nếu Mỹ thắng thế, có nghĩa là chi phí sản xuất ô tô sẽ cao hơn.

Còn khoảng cách 

Bất đồng trên cho thấy vẫn còn khoảng cách để ba nước tiến tới thực hiện đầy đủ USMCA. Cuối năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mexico Lopez Obrador đã gặp nhau tại Nhà Trắng. Đây được coi là một nỗ lực ngoại giao quan trọng của ba quốc gia Bắc Mỹ nhằm xây dựng một mặt trận thống nhất trong bối cảnh tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có hiệp định nào được ký kết trong bối cảnh mỗi nước xử lý các cam kết thương mại theo hướng khác nhau. Kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức, việc sửa đổi NAFTA thành USMCA đã xảy ra không ít tranh cãi. 

Không chỉ liên quan tới ô tô, Canada và Mexico cũng đang đấu tranh với những nỗ lực của Tổng thống Mỹ nhằm khấu trừ thuế cho những người mua xe điện được lắp ráp tại Mỹ. Để bảo vệ hoạt động lắp ráp ô tô trong nước trước tình trạng sụt giảm trong năm 2021, Canada đe dọa trả đũa thương mại đối với Mỹ, nếu Washington thông qua luật về các biện pháp khuyến khích xe điện sản xuất tại Mỹ. Chính phủ Canada tố chính sách ưu đãi thuế mà Mỹ áp dụng là vi phạm hiệp định thương mại. Ông Justin Trudeau tuyên bố Tổng thống Joe Biden thúc đẩy chương trình “Mua hàng Mỹ” đang gây phản tác dụng tới việc xúc tiến thương mại giữa các bên.

Tin cùng chuyên mục