Tại một ngôi chợ ngoài trời ở thủ đô Hà Nội, Việt Nam, bà Trịnh Thị Thanh trả 100.000 đồng (4,74 USD) cho 1kg thịt heo, loại thịt mà gia đình bà dùng nhiều nhất so với các loại thịt khác. Bà Thanh cho biết giá như vậy đã giảm so với mức 150.000 đồng/kg cách đây vài năm. Nhờ vậy, gia đình bà cũng bớt áp lực trong chi tiêu bữa ăn hàng ngày. Theo người đàn bà 63 tuổi này, trước đây, các cơn “sốt” giá xảy ra thường xuyên hơn, còn bây giờ, “ngay cả khi tiền lương hoặc giá xăng dầu tăng, giá thực phẩm trên thị trường vẫn không tăng hoặc tăng rất ít”. Hãng tin Bloomberg mở đầu bài viết bằng câu chuyện của người nội trợ tại Việt Nam để nói về chuyện giá thực phẩm toàn cầu.
Theo Bloomberg, tình trạng gia tăng chi phí thực phẩm trên thế giới đã chậm lại do mùa vụ thu hoạch đạt kỷ lục tại Ấn Độ và nhiều nơi khác trên thế giới. Chỉ số Standard & Poor GSCI Index trong lĩnh vực nông nghiệp với 8 loại cây trồng giảm 22% trong năm 2013, mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1981. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, số tiền mà thế giới phải bỏ ra để nhập khẩu thực phẩm trong năm 2013 giảm 3,2%, còn 1.150 tỷ USD. Giá thực phẩm toàn cầu giảm 13% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2-2011, khi lũ lụt và khô hạn tàn phá mùa màng cũng như xảy ra tình hình bất ổn của “Mùa Xuân Ảrập” tại Trung Đông và Bắc Âu. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2014, giá thực phẩm sẽ giảm 6%.
Trong số các loại ngũ cốc giảm giá trong năm 2013, bắp giảm tới 40%, lúa mì giảm 22%, cà phê giảm 23%, đường giảm 16% và đậu nành giảm 8,3%. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, thu hoạch bắp của nước này đạt mức kỷ lục 355,3 triệu tấn vào năm 2013 và sản lượng bắp toàn cầu tăng 12%, cao nhất mọi thời đại. Ngũ cốc rẻ hơn có nghĩa là chi phí chăn nuôi sẽ thấp hơn, giúp mở rộng nguồn cung cấp thịt gia cầm và gia súc. Ngoại trừ thịt bò đang ở mức cao là do nông dân Mỹ thu hẹp chăn nuôi từ nạn hạn hán năm 2012. Cho dù giá bắp rẻ, dự báo sẽ mất ít nhất 3 năm nữa nguồn cung thịt bò mới trở lại mức bình thường do cần thời gian gầy dựng lại đàn bò.
Tuy nhiên, theo bà Concepcion Calpe, nhà kinh tế cấp cao tại Tổ chức Lương Nông của Liên hiệp quốc ở Rome, “Giá bán lẻ thực phẩm nhìn chung vẫn còn khá cao”. Tại Tunisia, người tiêu dùng cho biết giá bán lẻ thực phẩm vẫn còn cao đáng kể so với 3 hoặc 4 năm trước đây, giá trứng, thịt và dầu ô liu cũng vẫn cao hơn so với 2 tháng trước.
Chi phí thực phẩm tăng cao có tác động mạnh với các nước nghèo, nơi mà người dân chi tiêu nhiều vào bữa ăn. Người Mỹ chi tiêu khoảng 6,6% thu nhập vào thực phẩm, mức thấp nhất thế giới, trong khi người dân ở Pakistan dành gần một nửa số tiền lương để chi tiêu cho thực phẩm.
Hậu quả của thực phẩm tăng có thể rất trầm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây bạo loạn. Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính giá cả leo thang gây ra hơn 60 cuộc bạo loạn trên toàn thế giới giai đoạn 2007 - 2009. Ngân hàng Thế giới ước tính khoảng 44 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói từ tháng 6-2010 đến tháng 2-2011 do giá lương thực tăng cao.
KHÁNH MINH