Như một sự tình cờ, có đến 2 nhà khoa học lớn lên từ vùng đất học Quảng Nam được xướng danh tại lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2010 được công bố vào cuối tháng 2-2011 vừa qua. Bên cạnh cố GS-NGND Lê Trí Viễn với giải thưởng Hồ Chí Minh, một “người Quảng” khác là GS-TS Mai Quốc Liên cũng được vinh danh bằng giải thưởng Nhà nước với cụm công trình “Ngô Thì Nhậm - Nhân vật lịch sử và nhà văn hóa kiệt xuất (1746-1803)”.
Trong lá thư gửi cho chính tác giả công trình này, nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng, nếu viết về Ngô Thì Nhậm không ai viết sâu và hay bằng Mai Quốc Liên. Quả thật, đó là sự ghi nhận hết sức nghiêm túc và chính xác về công sức mà GS Mai Quốc Liên đã dành cho đứa con tinh thần của mình. Xuất phát điểm của công trình là khảo sát văn bản gốc, GS Liên đã công phu dịch chữ Hán tác phẩm Ngô Thì Nhậm gồm 4 tập với gần 2.000 trang giấy khổ lớn.
“Đó là những áng văn vừa thơ phú hoa lệ vừa là áng văn nghị luận. Vì thế người dịch phải chuyển được cái hồn của bản gốc, làm sao giữ được cái hoa lệ, cái trầm hùng trong từng câu từng chữ. Khi nghiên cứu, tổng hợp phải sử dụng kiến thức liên ngành, xuyên ngành và tham khảo từ các bậc Đông phương học của phương Tây”, GS-TS Mai Quốc Liên chia sẻ.
Bắt đầu thực hiện công việc dịch sách từ trước năm 1975 và nhận được nhiều góp ý từ các nhà Hán học lỗi lạc thời bấy giờ như cụ Cao Xuân Huy, Nhàn Văn Định, Hoa Bằng, Thạch Can… cho đến những năm 1978-1979, GS Liên mới cho xuất bản lần đầu tiên các tập sách kể trên. Nhưng đây mới chỉ là tiền đề, là cơ sở để GS Liên bắt tay vào nghiên cứu tổng hợp, chọn lọc, lý giải, đánh giá… làm nổi bật một nhà lịch sử Ngô Thì Nhậm tài ba và một nhà văn hóa Ngô Thì Nhậm kiệt xuất.
Nhiều nhà khoa học nhìn nhận, công trình có giá trị ở nhiều điểm, đầu tiên là công việc dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt hết sức công phu và tốn nhiều thời gian. Hơn nữa, việc mang cái hồn của bản gốc vào bản dịch là điểm sáng của cụm công trình về Ngô Thì Nhậm này. Nhưng trên hết, GS Mai Quốc Liên đã sử dụng kiến thức “Đông Tây kim cổ” để có cái nhìn nhiều chiều và chính xác nhất về nhân vật Ngô Thì Nhậm.
Lâu nay, văn học yêu nước thời Tây Sơn chưa được các nhà khoa học ghi nhận và đánh giá một cách đầy đủ, cho nên theo lời TS Bành Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM phát biểu tại buổi lễ vinh danh các nhà giáo nhận được giải thưởng diễn ra sáng 1-3 vừa qua, công trình vừa có ý nghĩa khoa học vừa mang tính thời sự, bởi: “Xác định giá trị và vị trí của Ngô Thì Nhậm cũng đồng thời là xác định giá trị và vị trí của văn học yêu nước thời Tây Sơn. Một thời đại mà chỉ có sự trân trọng nghiên cứu mới dần trả lại được giá trị đích thực của nó”.
TƯỜNG HÂN