Theo truyền thống Á Đông, cha mẹ vẫn dựa vào sự chăm sóc của con cái khi về già. Tuy nhiên, cùng với sự đi lên của đời sống xã hội, những giá trị truyền thống không phải lúc nào cũng được nguyên vẹn như xưa. Sự vận động hối hả của nhịp sống hiện đại đôi khi khiến những người cao tuổi thấy chạnh lòng vì cô đơn. Thậm chí báo chí đã có hẳn cụm từ “cha mẹ già mồ côi” để gọi những người cao tuổi sống trong hoàn cảnh này.
Ví như ở Trung Quốc, hiện có gần 167 triệu người trên 60 tuổi (chiếm 1/8 dân số) và 1 triệu người trên 80 tuổi, trong đó hơn một nửa sống cô đơn. Theo Global Post, ước tính đến 2020, lực lượng này sẽ tăng nhanh lên đến 260 triệu người. Có thực tế là sau 30 năm áp dụng chính sách một con, giờ đây nhiều cặp vợ chồng già đang thiếu người chăm sóc khi những “cô cậu bé vàng” thuộc thế hệ con một đang ngày càng mải mê kiếm sống mà vô tình quên những nghĩa vụ đối với cha mẹ già.
Dưới áp lực của thế giới hiện đại, hàng triệu người trẻ tuổi tham gia vào làn sóng di cư lớn tới các vùng đô thị hóa để tìm kiếm cơ hội, để lại ở quê hương đấng sinh thành, những người phải tự thích nghi với cuộc sống một mình.
Theo kết quả điều tra, tỷ lệ tự tử ở những người 70-74 tuổi ở các thành phố tăng từ mức 13/100.000 người trong thập niên 1990 lên hơn 33/100.000 người trong giai đoạn 2002 - 2008. Có tới 42% số cặp vợ chồng già phải sống trong cảnh không có con cháu quây quần. Ở những đô thị lớn, tỷ lệ này lên đến 56% - ngang với ở Mỹ. Nhằm khắc phục tình trạng trên, báo chí Trung Quốc liên tục kêu gọi thế hệ con cháu hãy dành thời gian nhiều hơn nữa để quan tâm, săn sóc ông bà, cha mẹ, nêu bật sự cần thiết đầy ý nghĩa của sum họp, đoàn tụ gia đình trong những dịp lễ tết.
Không chỉ kêu gọi suông, Chính phủ Trung Quốc còn bổ sung quy định về thăm viếng cha mẹ già vào Luật Bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người cao tuổi có từ năm 1996. Theo dự luật sửa đổi vừa được trình lên, con cháu không được phép bỏ mặc hay xa cách những người cao tuổi về mặt tinh thần. Con cái sống ở xa phải thăm viếng cha mẹ thường xuyên (mức độ thường xuyên sẽ được xác định sau, tùy trường hợp). Những bậc cha mẹ lớn tuổi nếu cảm thấy bị con mình bỏ rơi có thể kiện ra tòa đòi quyền được chăm sóc về vật chất và tinh thần. Hồi đầu tháng trước, một tòa án ở tỉnh Sơn Đông đã buộc 3 người con gái của một bà mẹ 80 tuổi hàng tháng phải đưa cho bà từ 53 - 75 USD gọi là để phụng dưỡng sau khi người mẹ già này cáo buộc họ đã bỏ rơi bà.
Có thể thấy sự cần thiết thay đổi một đạo luật từng tồn tại 17 năm như ở Trung Quốc đã phản ánh những áp lực mà các cơ hội phát triển kinh tế đất nước và những thay đổi xã hội mang lại. Thực tế, hiện tượng người già cô đơn không chỉ diễn ra ở Trung Quốc mà ở khắp nơi trên thế giới hiện đại bởi đó gần như là quy luật vận động tất yếu của quá trình phát triển, khi người trẻ ngày càng muốn và buộc phải tìm cơ hội tự khẳng định.
Với các giá trị xã hội đang bị thay đổi, việc kêu gọi khôi phục các giá trị truyền thống như lòng hiếu thảo của con cái, sự tôn trọng đối với người già là việc làm cần thiết và cấp bách. Theo giáo sư Wang Ping của Trường Đại học Triết Giang, đó cũng là cách xây dựng xã hội hài hòa của người Trung Quốc.
HẠNH CHI