Giá trị nào cho thời đại?

Hai mươi năm trước, chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ. Nghĩ rằng đây là thắng lợi của chủ nghĩa tư bản (CNTB), liệu có phải là ảo tưởng? Chuỗi khủng hoảng, những cú sốc diễn ra không ngừng đối với hệ thống tài chính thế giới trong những năm qua đã khiến nhiều người cho rằng thất bại của CNTB đang hiện rõ”. Đây là phần mở đầu bài viết “CNTB đã thất bại?” thuộc chuyên mục Buisness Daily của BBC World Service. Bài viết dẫn ý kiến của hàng loạt chuyên gia kinh tế thế giới về vấn đề này .
 
Giáo sư Tim Jackson, tác giả cuốn Giàu có không bao hàm tăng trưởng: Trường kinh tế cho một hành tinh có hạn, nhận định chạy theo tăng trưởng kinh tế là chính sách quan trọng bậc nhất trong suốt 5 thập kỷ qua của hàng loạt quốc gia trên thế giới. Mặt khác, quy mô kinh tế toàn cầu đã tăng 5 lần so với nửa thập kỷ trước. Với đà này, kinh tế toàn cầu năm 2100 sẽ tăng gấp 80 lần so với thời điểm hiện tại.

Hoạt động kinh tế thế giới đang sôi lên từng ngày, một cách bất thường. Điều này có phù hợp với một hệ sinh thái có hạn, mong manh đang oằn mình hứng chịu sự khai thác vô độ vì mục tiêu tăng trưởng? Áp lực ấy kéo theo sự xuống cấp của 60% hệ sinh thái toàn cầu. Còn phải kể đến 2 tỷ người đang sống dưới 2 USD/ngày. Tăng trưởng đã giúp ích được gì cho họ?

Học giả Chandran Nair, người sáng lập Học viện Toàn cầu vì ngày mai (Global Institute For Tomorrow) cho rằng hình thái cực đoan của CNTB đã lan rộng khắp thế giới, nhất là trong khoảng 30-40 năm gần đây và hiện đang gặp nhiều rắc rối. Dân số thế giới đang chạm gần đến mốc 7 tỷ người. Điều kiện kinh tế, xã hội đang rất khác so với năm 1900, khi toàn cầu chỉ có 1,6 tỷ người. Có nhiều thứ cần thay đổi. Hai vấn đề cơ bản nhất mà CNTB phương Tây cố tình phớt lờ là hàng hóa và dịch vụ mà các công ty sản sinh đều dựa vào nguồn tài nguyên rẻ mạt và những chi phí không hiện hữu. Trò chơi này đã đến hồi kết. Chúng ta cần tái cấu trúc cơ bản, trước tiên phải trả lời được rằng con người phải sống trong điều kiện mới như thế nào?

Tổng Thư ký tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria dù khẳng định rằng CNTB không thất bại nhưng vẫn nhìn nhận những “sự cố” từ hệ thống các nhà hoạch định chính sách, giám sát và quản lý hợp tác, quản lý rủi ro, phân chia vai trò và trách nhiệm của các tổ chức kinh tế thế giới. Hậu quả, tỷ lệ nợ công trung bình ở hơn 30 quốc gia thuộc tổ chức này đã đạt mức 100% GDP.
 
Tạo của cải cho số ít cá nhân, dựa trên sự phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái, để mặc những bất ổn khác tồn tại không thể là xu hướng hợp lý của thời đại. Theo GS Tim Jackson, khủng hoảng kinh tế thật ra cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi, bỏ đi cách nhìn thiển cận hủy hoại xã hội trong một giai đoạn. Điều kiện sống tốt phải bảo đảm nhu cầu ăn ở, dịch vụ phúc lợi tốt, cộng đồng bền vững và thỏa mãn nhu cầu được lao động chính đáng của mỗi cá nhân, nhất là nhóm dễ bị tổn thương nhất.

Thành công của mỗi cá nhân góp vào một xã hội thịnh vượng phải vượt lên khỏi những nỗi lo về vật chất. Thay vào đó là tình yêu thương gia đình, sự gắn bó với bạn bè và đoàn kết sức mạnh của cả cộng đồng. Đó là khi cống hiến cho xã hội được đặt lên làm lý tưởng sống.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục