Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng đều qua các năm

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trên địa bàn TPHCM. Trong 10 năm thực hiện, năng suất lao động khu vực nông thôn được cải thiện: năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng/người, năm 2018 đạt 90 triệu đồng/người. 

Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của các sở ngành, hợp tác xã về thành quả 10 năm xây dựng NTM.

Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng đều qua các năm ảnh 1 Tuy diện tích đất nông nghiệp TPHCM giảm, nhưng giá trị sản xuất tăng

Bà Nguyễn thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM:

Cùng với sự phát triển xây dựng NTM, sự gia tăng nhanh chóng về dân số, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, khiến nông thôn - đô thị có những thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường. Từ sự hỗ trợ của Sở TN-MT, các huyện đã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác, đồng thời bố trí điểm thu gom rác định kỳ.

Từ năm 2016 đến nay, 5 huyện đã trang bị bổ sung 21.244 thùng rác công cộng, xử lý 131/1149 điểm ô nhiễm; nhiều mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng động, mô hình tuyến đường xanh - sạch - đẹp... đã được triển khai đạt hiệu quả. Trong những năm tiếp theo, Sở TN-MT tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, gắn kết cùng với các huyện duy trì những kết quả đạt được, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí môi trường tại các xã chưa đạt.

Ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM:

Trong 10 năm qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các huyện lập quy hoạch đất và dự án đầu tư xây dựng trường học các cấp. Các trường đều được trang bị phòng lab, máy vi tính, bảng tương tác…; trong đó, 50% thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách, 50% còn lại thanh toán bằng nguồn vốn xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học.

Các huyện đã triển khai xây dựng mới, thay thế và sửa chữa, mở rộng 165 công trình trường học với tổng kinh phí 4.374 tỷ đồng. Do có nhiều trường học được xây dựng đạt chuẩn quốc gia nên số lượng học sinh tăng đáng kể ở các bậc học; học sinh các lớp đầu cấp ra lớp đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó bậc mầm non tăng 28.000 học sinh, bậc tiểu học tăng 152.000 học sinh, bậc trung học cơ sở tăng 31.230 học sinh.

Trong những năm tiếp theo, sở đảm bảo công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đạt hiệu quả đề ra, đi đôi với phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.

Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM:

Tính đến tháng 9-2019, 5 huyện có 76 hợp tác xã (HTX) với 1.370 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 45 HTX so với năm 2010. Giá trị sản xuất của các HTX nông nghiệp năm 2018 đạt 543.484 triệu đồng, đóng góp 2,5% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp toàn thành phố. Năm 2018, diện tích sản xuất nông nghiệp giảm 20.005ha so với năm 2008, nhưng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đạt 21.402 tỷ đồng, tăng 294% so năm 2008 (7.278,1 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng đạt 9.610 tỷ đồng, tăng 233,7% so năm 2008 (4.111 tỷ đồng). Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1ha đất canh tác tăng đều qua các năm, năm 2018 đạt 502 triệu đồng, cao nhất cả nước, gấp hơn 5 lần bình quân cả nước.

Hiện xu hướng phát triển chuỗi liên kết “Hộ nông dân - HTX - Doanh nghiệp”, giúp doanh nghiệp có nguồn cung nguyên liệu ổn định, chất lượng đồng đều, giảm chi phí nhân công và chi phí sản xuất, giao dịch. Trên tinh thần “tam nông”, sở chú trọng xây dựng NTM trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn theo hướng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học, phát triển bền vững, kết nối đồng bộ các xã, huyện và vùng lân cận.

Ông Nguyễn Hữu Hòa Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi: 

Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đã tạo vùng nông thôn xứng tầm phát triển với thành phố lớn. Đặc biệt, người dân tham gia hiến đất và vật kiến trúc, đã mang lại nhiều thành công trong việc xây dựng NTM. Trong 10 năm, gần 65.000 hộ hiến đất với 760.000m², có nhiều hộ dân hiến đất lần 3. Kinh tế phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập người dân. Nếu như năm 2009, có xã chỉ thu nhập khoảng 18 triệu đồng/người/năm; nhưng nay đạt được 60 triệu đồng/người/năm. Số lượt hộ kinh doanh, doanh nghiệp từ 15.000 hộ, nay đã có hơn 27.500 hộ; thu thuế 2009 chưa tới 300 tỷ đồng thì nay là 2.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn tới, huyện có 2 nội dung là phát triển nông nghiệp mang tính đô thị cao để tạo môi trường sinh thái bền vững; tiếp tục thu hút đầu tư vào khu công nghiệp tập trung với tiêu chí sạch - xanh -công nghệ cao, nhưng không tận dụng sức lao động. 

Ông Huỳnh Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT HTX Thủy sản Cần Giờ Tương Lai:

Trong quá trình xây dựng NTM, HTX đã vận động thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản chỉ với 20 thành viên. Qua nhiều năm hoạt động, đến đầu năm 2019, tổ hợp tác đã có 40 thành viên. Từ khi thành lập, UBND huyện Cần Giờ đã quy hoạch vùng nuôi tôm, cá dứa và tạo thương hiệu, hỗ trợ xây dựng trụ sở, điểm dừng chân tham quan. Nhờ đó, HTX đã bao tiêu được đầu ra cho xã viên.

Ông Phạm Quốc Bảo - Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM:

Từ năm 2010-2015, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã có chủ trương rà soát để gắn điện kế cho các hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, qua đó giải quyết được hơn 30.000 trường hợp, với số vốn gần 2.000 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, tổng vốn đầu tư của ngành điện cho 5 huyện ngoại thành là 1.345 tỷ đồng với 66km cáp ngầm, 692km đường dây trung thế, 464km đường dây hạ thế, 5.150 trạm biến áp. Trong thời gian tới, ngành điện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng cung cấp điện, dịch vụ khách hàng, khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Đầu tư các dự án lưới điện thông minh, tự động hóa, kết nối lưới điện mạch vòng, điều khiển từ xa, điện kế đo xa… thực hiện các biện pháp thi công không cắt điện để đầu tư sửa chữa lưới điện, qua đó góp phần nâng cao độ tin cây cung cấp điện.

Tin cùng chuyên mục