Giả và thật

Coi truyền hình thực tế thời nay, nhiều người có cảm giác hình như mình đang vật vã sống trong giấc chiêm bao của Trang Tử thuở xa xăm lắm. Vì cũng giống như nhà hiền triết này, mỗi khi tỉnh giấc thoát khỏi màn hình nhấp nháy mê hoặc, người xem lại phải cấu véo mình để nhận biết mình vẫn là mình chứ không phải đã hóa bướm bay lượn tung tăng. Và thật sự là ác mộng khi đứng trên lằn ranh thật - giả, phải - trái, hư - thực của món ăn tinh thần được mô tả là hấp dẫn nhất, có sức lan tỏa mạnh nhất.
Giả và thật

Coi truyền hình thực tế thời nay, nhiều người có cảm giác hình như mình đang vật vã sống trong giấc chiêm bao của Trang Tử thuở xa xăm lắm. Vì cũng giống như nhà hiền triết này, mỗi khi tỉnh giấc thoát khỏi màn hình nhấp nháy mê hoặc, người xem lại phải cấu véo mình để nhận biết mình vẫn là mình chứ không phải đã hóa bướm bay lượn tung tăng. Và thật sự là ác mộng khi đứng trên lằn ranh thật - giả, phải - trái, hư - thực của món ăn tinh thần được mô tả là hấp dẫn nhất, có sức lan tỏa mạnh nhất.

Hôm rồi, trên mạng tràn ngập thông tin một thí sinh tham gia cuộc thi truyền hình thực tế “Nhân tố bí ẩn” đã uống thuốc tự tử vì không chịu được áp lực của cư dân mạng cho rằng anh ta đã thêu dệt câu chuyện không có thật về bản thân để tiếp tục “bám sóng”, tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Cũng lại là một mô-típ quen thuộc với những tình tiết về hoàn cảnh gia đình thương tâm, bản thân bị bạo hành, trở nên “tự kỷ” nhưng rốt cuộc vẫn còn trinh nguyên niềm đam mê cống hiến cho nghệ thuật. Chỉ không biết cái thông tin “tự tử” bị rò rỉ là có thật hay không, hay cũng lại là một chiêu trò mua nước mắt của khán giả truyền hình vốn hay mủi lòng trước những số phận có hoàn cảnh trớ trêu.

Và có thể kể ra không ít những chuyện thật… như đùa như vậy ngập tràn trên sóng truyền hình từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh thành như chuyện một cô ca sĩ chuyên nghiệp từng tham gia nhóm “Mây trắng” cũng bỗng thoát thân thành một thí sinh không chuyên, dùng mặt nạ che kín nửa mặt giống như hiệp sĩ Zoro trong một bộ phim có tiếng của Hollywood, chỉ khi phát hiện ra nốt ruồi trên má cũng như nghe “một nốt nhạc” thì khán giả mới tá hỏa: làm ăn hai chữ à ra thế!

Không ít chuyện thật… như đùa đang ngập tràn trên sóng truyền hình 

Một câu hỏi đặt ra là nhà đài có biết hay không, có xác minh nhân thân thí sinh trước cuộc thi hay không thì chắc là… chỉ có nhà đài mới đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Như nhiều nguồn thạo tin cho biết, các nhà sản xuất, các công ty truyền thông trong lĩnh vực dịch vụ truyền hình đều biết tuốt thực hư câu chuyện, nhưng “có thực mới vực được đạo”, muốn có món dễ xơi thì cũng phải thêm mắm muối, thêm gia vị, thêm chút phi thực tế… thì mới ra truyền hình thực tế được.

Trước sự cạnh tranh gay gắt trong phân mảng truyền hình, để có rating - lượng người xem, để níu giữ người xem từ mùa này qua mùa khác người ta thi nhau tạo dựng các câu chuyện ầm ĩ, càng nhiều scandal càng tốt.

Còn nhớ cuộc thi Vietnam’s Got Talent năm 2012, một cô bé 15 tuổi hát được tới 6 thứ tiếng bỗng nổi như cồn không phải vì tài ca hát độc đáo gì mà bởi bà mẹ đùng đùng nhảy lên sân khấu chất vấn ban giám khảo tại sao lại loại con gái bà ra khỏi cuộc thi. Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi bà mẹ còn viết thư gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về “tội ác tày đình” này của các nhà tổ chức cuộc thi.

Và từ câu chuyện bên lề vô thưởng vô phạt này, nhà đài bỗng như vớ được vàng nhảy bổ vào khai thác tối đa những tình tiết lâm ly, bi đát nhất. Kết quả là rating lên cao vòi vọi, và tất nhiên tiền cũng chảy về thành sông, thành suối. Nhưng khai thác mảng miếng theo chiều hướng tiêu cực liệu có bền vững, có giữ được khán giả không? Rất tiếc câu trả lời là không, khán giả đã ngán tận cổ với những câu chuyện kể khổ thương tâm khi mà đạo đức được xếp hàng thứ yếu sau tính thương mại với dòng tiền quảng cáo khổng lồ nhà sản xuất thu được sau mỗi tập phát sóng.

Điều đáng nói nữa là tính giải trí lành mạnh, tính giáo dục của các chương trình truyền hình thực tế đang ngày một mai một và trở nên món hàng xa xỉ trong mắt khán giả truyền hình. Với quá nhiều chương trình cùng chung một format đa phần mua của nước ngoài, người ta đã sử dụng gần như cạn kiệt nguồn “nhân lực” nội địa có sẵn, cũng với ngần đấy thí sinh “tài năng”, cũng ngần đấy giám khảo, nhẵn mặt đến mức muốn chuyển kênh khác, song biết xem gì trên truyền hình ngoài… các cuộc thi truyền hình thực tế?

Thật buồn khi bật ti vi lên là thấy không Hoài Linh thì lại Trấn Thành, không Trấn Thành thì lại Hoài Linh. Quá cũ và quá nhàm chán đến mức Trấn Thành dù lộng ngôn, nói nhịu (không biết cố ý hay vô ý) vẫn được săn đón, chễm chệ ngồi ghế giám khảo hoặc MC hết chương trình này sang chương trình khác.

Chứng kiến những pha chọc cười dễ dãi với tần suất dày đặc trên sóng truyền hình, cũng như khoản thù lao một buổi ngồi ghế “nóng” bằng cả năm lao động nghệ thuật miệt mài, có nghệ sĩ sân khấu tâm sự muốn vứt bỏ tấm bằng nhận được sau nhiều năm được đào tạo bài bản ở một trường nghệ thuật chính quy.

Nhưng biết làm sao vì văn hóa nghe - nhìn chỉ có vậy. Nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong khi ngồi cùng nhâm nhi cà phê ở TP Cà Mau chỉ cười nói với người viết phải chấp nhận thôi, hội sách ở đây bày bán 25 cuốn sách có chữ ký hẳn hoi của tác giả và được giảm giá 20% mà hết hội rồi vẫn còn tới 18 cuốn không bán được! Chắc là người đọc đã chuyển qua coi ti vi, coi truyền hình thực tế hết rồi chăng? Vẫn là câu hỏi treo lơ lửng với những người làm văn hóa…

BÍCH AN

Tin cùng chuyên mục