Từ ngày 1-1-2012, giá vé trên các tuyến xe buýt có trợ giá ở TPHCM đã được điều chỉnh, tuyến có cự ly từ 18km trở lên (thay vì 31km như trước đây) với hai mức giá là 4.000 đồng và 5.000 đồng/hành khách/lượt. Hai loại giá như trên đã gây ra sự nhập nhằng cho hành khách đi xe, cũng như nhân viên bán vé.
Một cự ly, hai mức giá
Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) TPHCM, từ ngày 1-1-2012, giá vé xe buýt đối với vé lượt các tuyến có cự ly dưới 18km là 4.000 đồng/hành khách/lượt. Các tuyến có cự ly từ 18km trở lên, hành khách đi lại dưới 1/2 lộ trình là 4.000 đồng/hành khách/lượt, từ 1/2 lộ trình trở lên tính giá 5.000 đồng/hành khách/lượt.
Đối với vé tập: đối tượng học sinh, sinh viên là 84.000 đồng/tập/60 vé có giá trị sử dụng trên tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá (trừ 3 tuyến có mã số 13, 94 và 96). Vé tập dành cho đối tượng hành khách khác, giá vé tương ứng với vé lượt có mệnh giá 4.000 đồng/lượt là vé tập loại 90.000 đồng/tập/30vé; tương ứng với vé lượt có mệnh giá 5.000 đồng/lượt là vé tập loại 112.500 đồng/tập/30vé.
Ngoài ra, theo thông báo của Sở GTVT TPHCM, thời gian sử dụng vé xe buýt tập của năm 2011 (hiện đang in trên tập vé có giá trị đến ngày 31-12-2011) sẽ được gia hạn đến hết ngày 31-3-2012. Hành khách có thể sử dụng vé tập trên để đi lại các tuyến xe buýt theo giá vé quy định.
Có thể nói, việc điều chỉnh giá vé trên so với năm 2011 chỉ khác về cách thay đổi cự ly để tính giá vé, còn mức giá vé vẫn được giữ nguyên nên không gây ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của hành khách. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hành khách, sau khi TP điều chỉnh giá vé xe buýt theo cự ly 18km (thay vì 31km như trước), trong đó đối với các tuyến có cự ly từ 18km trở lên, hành khách đi lại dưới 1/2 lộ trình là 4.000 đồng/hành khách/lượt, hành khách đi lại từ 1/2 lộ trình trở lên là 5.000 đồng/hành khách/lượt đã gây ra sự nhập nhằng cho hành khách đi xe, cũng như nhân viên trong việc thu tiền vé.
Ngoài ra, có một số hành khách sử dụng vé tập năm 2011 để đi lại đều bị nhân viên đòi phụ thu thêm tiền vé. Anh Đạt, nhà ngụ quận Bình Thạnh, thắc mắc: “Vừa qua, tôi đi lại trên tuyến xe buýt 150 (Bến xe Chợ Lớn - Tân Vạn) từ vòng xoay Hàng Xanh đến quận 5, có cự ly dưới 1/2 lộ trình của tuyến từ 18km trở lên. Thế nhưng, trong lượt đi nhân viên lấy giá 4.000 đồng/lượt đúng với giá nhà xe dán ở bảng thông báo, nhưng khi đi về nhân viên lấy 5.000 đồng/lượt. Liệu có hợp lý?”.
Nên thống nhất một khung giá vé
Về những vấn đề nêu trên, ông Lê Hải Phong, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TPHCM, cho biết: Sau khi trung tâm điều chỉnh giá vé theo cự ly 18km đã yêu cầu nhà xe niêm yết giá theo từng chặng cụ thể để hành khách biết. Do đó, việc nhân viên tự ý lấy vượt giá vé, cũng như lấy thêm tiền đối với hành khách sử dụng vé tập năm 2011 là không đúng. Vì vậy, hành khách nào đi xe phát hiện nhân viên bán vé lấy không đúng giá vé theo quy định cứ liên lạc qua hệ thống đường dây nóng phản ánh rõ số xe, số tuyến, tên nhân viên để trung tâm xử lý.
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TPHCM, cho biết: Ngay sau khi trung tâm có thông báo điều chỉnh giá vé, đơn vị đã phổ biến cho nhân viên bán vé nắm rõ. Tuy nhiên, trong những ngày đầu áp dụng, đơn vị đã nhận được nhiều ý kiến từ nhân viên bán vé là cách tính giá vé theo cự ly tuyến 18km trở lên đã khiến nhiều hành khách phàn nàn. Bản thân hành khách mỗi khi đi xe chỉ quan tâm đến vấn đề giá vé một lượt là bao nhiêu chứ không quan tâm đến việc giá vé tính như thế nào. Do đó, với cách tính giá vé theo cự ly tuyến chia từng chặng như hiện nay sẽ rất khó cho nhân viên trong việc tính cự ly để thu tiền vé. Chẳng hạn, với mức quy định giá vé hiện nay dưới 18km là 4.000 đồng/lượt và trên 18km là 5.000 đồng/lượt thì rất ít hành khách đi trên 18km lại nói đúng điểm đến để trả mức giá 5.000 đồng mà luôn khai cự ly đi dưới 18km.
Do đó, Trung tâm nên rà soát tính cự ly từng tuyến cụ thể và áp dụng giá vé theo từng tuyến với một khung giá vé. Chẳng hạn, tuyến nào có cự ly dưới 18km là 4.000 đồng/lượt/hành khách; tuyến nào trên 18km là 5.000 đồng/lượt/hành khách thay vì cách tính theo cự ly như đang áp dụng hiện nay để tạo sự minh bạch và dễ dàng cho hành khách đi lại.
Về ý kiến này, ông Lê Hải Phong cho rằng: “Hiện nay, cách tính giá vé chia theo từng chặng nhằm đảm bảo sự công bằng cho hành khách đi xe. Cụ thể, ai sử dụng cự ly đi lại ngắn trả tiền ít, đi cự ly dài trả tiền nhiều. Do đó, sẽ không có sự điều chỉnh giá vé theo từng tuyến”.
Đình Lý