Chiều 21-5, đại biểu (ĐB) Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT); chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu giai đoạn 1.

Tại tổ ĐB TPHCM, ĐB Trần Anh Tuấn tán thành giảm thuế GTGT đến cuối năm 2026. “Những lần trước, cứ 6 tháng lại phải đưa ra Quốc hội quyết, không tạo được sự ổn định, chủ động cho các doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất kinh doanh”, ĐB nói. Ông thậm chí đề nghị mở rộng diện giảm thuế cho tất cả hàng hóa, dịch vụ, không loại trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như tờ trình của Chính phủ.
ĐB nêu rõ, khi đánh giá tác động của chính sách này, cơ quan soạn thảo chỉ mới ước tính số giảm thu ngân sách mà chưa tính đến tác động lan tỏa của việc giảm thuế, khuyến khích được sản xuất, tiêu dùng, bù đắp vào nguồn thu ngân sách.

Đồng quan điểm, ĐB Trần Hoàng Ngân nói thêm: “Chúng ta lo giảm thuế này thì giảm thu, nhưng thực ra thì khi áp dụng chính sách này, thu không những không giảm mà còn tăng nhờ tác động lan tỏa”. ĐB cũng cho rằng nên giảm thuế cho tất cả mặt hàng, dịch vụ, tạo thuận lợi cho công tác thu thuế.
Cơ bản tán thành chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, song ĐB Trần Anh Tuấn nêu vấn đề, tới đây nhu cầu vốn đầu tư công (chẳng hạn để xây dựng đường sắt tốc độ cao…) sẽ rất lớn.
“Tại sao không áp dụng hình thức đối tác công - tư trước khi quyết định sử dụng vốn đầu tư công cho dự án này? Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của năm 2024 và các nguồn đầu tư công, chúng ta đã bố trí cho những dự án nào rồi? Có còn đủ để bố trí tiếp không? Nếu nhận định là hiệu quả thu hồi vốn cao thì sao không làm PPP?”, ĐB nêu vấn đề.
Về dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, ông Trần Anh Tuấn nhận định, không phải bàn về sự cần thiết nữa, vì hiện đang triển khai rồi, cũng không thể dừng lại được chỉ vì thiếu vốn.
“Nhưng công tác khảo sát như thế là chưa kỹ, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là khâu đo đạc kiểm đếm trong giải phóng mặt bằng, tái định cư. Lần này, đề nghị Chính phủ phải đánh giá thật đầy đủ, tránh lại phải tiếp tục điều chỉnh những lần sau”, ông nói.

Cùng quan điểm với ĐB Trần Anh Tuấn, ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) và một số ĐB khác chỉ rõ thực tế nhiều dự án đường cao tốc phải xin điều chỉnh tổng mức đầu tư, đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.
ĐB Nguyễn Hải Hưng (Hải Dương) nêu vấn đề: “Một trong những lý do Chính phủ đưa ra là chưa lường hết được tốc độ đô thị hóa là không thuyết phục. Cần đánh giá có nguyên nhân do địa phương chưa đủ năng lực không?”.
Về dự án dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku (có chiều dài khoảng 125km, triển khai từ năm 2025 và hoàn thành vào năm 2029, với tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng), ĐB Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, đây là dự án có địa chất phức tạp, như cần xây dựng nhiều trụ cầu cao gần 100m, 3 hầm dài, Việt Nam chưa có nhiều dự án có trụ cầu cao như vậy, nên nếu không đánh giá kỹ vấn đề này khi giao cho địa phương thì dễ dẫn đến tình trạng chậm tiến độ, không bảo đảm yêu cầu thi công.
ĐB đề nghị với những dự án phức tạp, Chính phủ cần tính kỹ khâu phân cấp, phân quyền; cũng cần tránh một nhà thầu nhận quá nhiều dự án, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Đặc biệt, cần tính sát chi phí giải phóng mặt bằng vì từ năm 2026 đã theo giá đất mới, rất có thể lại làm tăng tổng mức đầu tư.