Vừa qua, Tập đoàn FPT lập Viện nghiên cứu công nghệ với mục tiêu nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ và đào tạo. Tại lễ ra mắt, đại diện Phòng nghiên cứu không gian FPT (Fspace) cho hay, nhóm nghiên cứu đang thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và vận hành vệ tinh F-1, được trang bị các camera để chụp ảnh, cảm biến đo nhiệt độ, từ trường trái đất nhằm tìm hiểu môi trường trên quỹ đạo. Với Fspace, đây như một giấc mơ về vệ tinh mini FPT của một nhóm bạn trẻ...
Dám nghĩ dám làm
Không phải khi Tập đoàn FPT lập Viện nghiên cứu công nghệ thì mới nghĩ đến việc nghiên cứu, phát triển vệ tinh Fspace. Hơn một năm trước đây, nhóm 10 bạn trẻ ở Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) đã mày mò tự chế tạo một vệ tinh nhỏ để chụp ảnh Trái đất và nghiên cứu môi trường không gian.
Hiện tại, vệ tinh của FPT Software với tên gọi F-1 đã hoàn tất mô hình thử nghiệm đầu tiên, theo kế hoạch, mô hình cuối cùng sẵn sàng để bay sẽ được hoàn thành trong năm 2010 và dự kiến thuê tên lửa của nước ngoài phóng lên quỹ đạo vào năm 2011.
Vũ Trọng Thư, trưởng nhóm chế tạo vệ tinh của FPT Software cho biết, ý tưởng chế tạo vệ tinh nhỏ được anh đưa ra và trình lên công ty vào cuối năm 2008. Khi trình bày ý tưởng này, nhiều bộ phận trong công ty phản đối… nên Thư và các thành viên trong nhóm đã mất khoảng hai tháng vận động, thuyết phục, cuối cùng dự án chế tạo vệ tinh cũng được lãnh đạo công ty, đặc biệt là Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thành Nam ủng hộ.
Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thành Nam cho biết: “Công nghệ vệ tinh tuy không mới trên thế giới nhưng rất mới ở Việt Nam. FPT coi dự án này là trường học lớn nhất để đào tạo thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm chủ công nghệ”.
Vệ tinh F-1 có kích thước 10x10x20cm và nặng khoảng 2kg, được trang bị các camera để chụp ảnh Trái đất và một số cảm biến đo nhiệt độ, từ trường Trái đất để tìm hiểu môi trường trên quỹ đạo.
Nhóm đặt ra ba tiêu chí đánh giá thành công của F-1: thứ nhất là vệ tinh phải sống được trong không gian ít nhất 1 năm và phát tín hiệu về Trái đất; thứ hai là chụp được ảnh độ phân giải của Trái đất cỡ 640x480 pixel (tương đương độ phân giải của webcam) và cuối cùng tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh về Trái đất đạt 1.200 bit/giây.
Nếu hoàn thành các yêu cầu tối thiểu này, vệ tinh sẽ được thử nghiệm các tính năng phức tạp hơn, chẳng hạn như ổn định tư thế vệ tinh, chụp ảnh độ phân giải 1 megapixel hay tăng tốc độ truyền tin lên 9.600bit/giây…
Thách thức trước giờ G
Sau khi hoàn thành mô hình của vệ tinh, nhóm đã tiến hành các thử nghiệm về mặt chức năng và đặc biệt chú trọng vào thử nghiệm liên lạc tầm xa. Ban đầu, nhóm thử thu phát tín hiệu trong phòng ở khoảng cách 2m, sau đó tăng dần lên 100m, 2km, 7km và gần đây nhất là 20km.
Sau thành công này, nhóm Fspace đã đưa mô hình vệ tinh F-1 lên đỉnh núi Tam Đảo và thử nghiệm liên lạc thành công với trạm mặt đất tại tòa nhà FPT Cầu Giấy ở khoảng cách 50km. Vệ tinh đã nhận được các câu lệnh phát đi từ trạm mặt đất, thực thi và gửi trả lại kết quả tương ứng…
Không xa lạ trên thế giới nhưng chế tạo vệ tinh vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1999, giáo sư Robert Twiggs ở đại học Stanford (Mỹ) đã đưa ra ý tưởng chế tạo những vệ tinh siêu nhỏ hình lập thể, có kích thước 10x10x10cm và chỉ nặng 1kg gọi là cubesat. Khác với những vệ tinh lớn mất nhiều năm chế tạo với vốn đầu tư hàng triệu đô la, các vệ tinh lớp cubesat có thời gian phát triển ngắn từ 2-3 năm và chi phí thấp khoảng vài trăm nghìn USD. Mức chi phí và thời gian đó phù hợp với khả năng của các trường đại học và các viện nghiên cứu. Được biết năm 2003 có 6 vệ tinh nhỏ cubesat lần đầu tiên được phóng lên quỹ đạo, đến cuối năm 2009 có khoảng 100 dự án cubesat đã và đang được các trường đại học, các viện nghiên cứu tham gia phát triển trên thế giới. |
Để đạt được những kết quả trên, nhóm làm vệ tinh đã vượt qua không ít khó khăn. Trong đó khó khăn lớn là có nhiều thiết bị không mua được, như pin mặt trời hiệu suất cao dùng cho vệ tinh bị Mỹ coi là vũ khí công nghệ cao (quy định ITAR), muốn mua phải có giấy phép của chính phủ Mỹ với chi phí rất lớn và thời gian xin phép ít nhất là 6 tháng. Do đó, nhóm phải chuyển sang tìm mua ở nơi khác như châu Âu, Nhật Bản…
Chưa hết, khó khăn vẫn chồng chất ở phía trước như việc thiết kế, chế tạo một hệ thống có độ tin cậy cao, có thể hoạt động trong không gian khi gặp các tình huống khó khăn, bất thường như chết nguồn, mất liên lạc hay “dính” bức xạ vũ trụ...
Tuy nhiên nhóm này vẫn tự tin cho hay: Với kết quả hiện nay, mô hình cuối cùng của vệ tinh F-1 sẽ hoàn tất vào cuối năm 2010 và dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2011. Hiện nhóm Fspace đang liên hệ với một số tổ chức cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh nhỏ trên thế giới, với chi phí phóng dự kiến mất khoảng 160.000 USD cho vệ tinh F-1.
Nhóm đã xin được giấy phép thu phát sóng cho trạm mặt đất từ Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT) và đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng tần số trên quỹ đạo lên Ủy ban Quốc tế về vô tuyến điện nghiệp dư IARU.
Để ước mơ thành hiện thực, Thư nhận định: Trong lĩnh vực không gian vũ trụ, độ tin cậy của hệ thống được đặt lên hàng đầu, nên nhóm Fspace cũng không phải là ngoại lệ nên đang cố gắng làm đúng những mục tiêu đã đặt ra. Chi phí thuê phóng vệ tinh hiện giờ chưa có, tuy nhiên nhóm tin tưởng sau khi vượt qua các vấn đề kỹ thuật và chứng minh được tính tin cậy của F-1 thì sẽ xin được kinh phí phóng từ FPT cũng như từ những nguồn khác trong xã hội…
Hiệu quả và ứng dụng thiết thực trong khai thác vệ tinh này là một việc khác, sẽ còn nhiều điều phải nói, nhưng qua đây thấy rằng những thành viên của nhóm Fspace dám đụng vào một lĩnh vực khá mới mẻ và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc… để khẳng định sự sáng tạo sức trẻ là điều cần ghi nhận, trân trọng.
Nếu mọi việc thành công, có thể đây là vệ tinh tư nhân đầu tiên của Việt Nam, dưới thương hiệu FPT được phóng lên vũ trụ.
Bá Tân