Vòng 1 giải năm nay có tín hiệu mừng là ở 2 địa điểm thi đấu tại Yên Bái và Hải Dương, nhiều trận thi đấu được truyền hình trực tiếp. Câu chuyện bản quyền và truyền hình trực tiếp bóng chuyền ở trong nước rất ít khi được đề cập tới...
Ảnh: Dũng Phương
Câu chuyện bản quyền
Năm nay là một trong những lần hiếm hoi, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cùng lúc tham gia truyền hình trực tiếp tại giải VĐQG. Nhà đài VTV chọn làm ở bảng tổ chức tại Hải Dương (tại Yên Bái, kênh VTC3 của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC làm trực tiếp). Chỉ với điều này thôi, người hâm mộ và người làm nghề do cách xa địa lý không trực tiếp tới nhà thi đấu xem bóng chuyền đã được thỏa lòng vì vẫn xem được trên truyền hình. Những mùa giải trước, rất ít khi Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) tổ chức giải mà có tường thuật trực tiếp đủ.
Nhiều người từng đặt câu hỏi, “phải chăng vì phí bản quyền của VFV đưa ra quá cao nên việc tường thuật trực tiếp đã không thể diễn ra?”. Rất ít thông tin được chia sẻ cụ thể. Nhưng có thể hiểu nôm na, trong nhiệm kỳ trước, VFV đã ký độc quyền tường thuật trực tiếp với VTC trong gói kéo dài 5 năm. Sau này, do khó khăn kinh tế, phí truyền hình trả lại không đảm bảo được như yêu cầu. Do vậy, một hai năm trở lại đây, giải bóng chuyền VĐQG được tường thuật trực tiếp rộng rãi hơn mà không riêng trên sóng VTC.
Làm truyền hình trực tiếp, trên nguyên tắc là có chi phí trả phí bản quyền truyền hình cho VFV. Nhưng không loại trừ, nhà đài không mặn mà làm trực tiếp còn VFV muốn lên sóng thì sẽ phải trả chi phí ngược lại. Trong thỏa thuận với nhau, các nhà đài và VFV có được mức phí chắc chắn khiến cả 2 hài lòng thì hợp đồng mới ký kết. Một điều chắc chắn rằng, VFV luôn rất rộng mở với những kênh, đài truyền hình nào muốn làm trực tiếp giải VĐQG. “Miếng bánh” này vẫn rất nhiều nhưng các nhà đài ít muốn làm do chi phí sản xuất rất tốn kém và hiệu quả về sức hút lại ít.
Trực tiếp kiểu gì?
Tính ở vòng 1 năm nay, VTC3 gần như tường thuật hết các trận vòng bảng tại Yên Bái. Còn tại Hải Dương, VTV chỉ chọn lựa một số trận tường thuật lẻ chứ không thể làm đầy đủ. Bóng chuyền có đặc thù là không gói gọn thi đấu trong 90 phút như bóng đá mà khi nào kết thúc bằng tỷ số chiến thắng thì trận đấu mới khép lại. Khung giờ thi đấu những trận đầu tiên thường từ 14 giờ. Nếu làm trực tiếp hết trong một ngày tranh tài (gồm 4 trận), nhà đài sẽ dành sóng cho bóng chuyền từ 14 giờ kéo dài tới 0 giờ khuya. Làm hết như vậy, chi phí phát sóng nhiều. Ở giải, có những trận chuyên môn tẻ nhạt khó kiếm được người xem. Vì thế, chọn trận hay để làm trực tiếp là phù hợp.
Trên thực tế, giải VĐQG khó đòi hỏi được tường thuật đầy đủ, cặn kẽ như những giải quốc tế là VTV Cup hay VTV-Bình Điền Cúp. Đó là những giải quốc tế trên là sản phẩm của nhà đài, họ tổ chức cũng để quảng bá thương hiệu. Nếu muốn giải VĐQG được truyền hình rầm rộ như vậy, chi phí rất lớn. VFV hàng năm có chi phí cho công tác truyền thông tổ chức giải nhưng để mất hàng tỷ đồng cho chuyện truyền hình trực tiếp giải VĐQG là không thể.
Một điểm được tính tới là VFV có thể thu được một khoản nào đó thông qua bán vé cho khán giả vào xem. Mức thu này không nhiều. Mỗi địa phương có tính đặc thù riêng, khán giả vào xem bóng chuyền khi ít khi nhiều nên thu tiền từ bán vé khó đạt con số tính bằng tỷ đồng. Nhìn lại vấn đề, giải đấu muốn được truyền hình trực tiếp bền vững vẫn phải có tiền mới được.
* Ngày thi đấu 3-4 của vòng 1 tiếp tục diễn ra với những trận được chú ý như, Thể Công - BĐ 15 gặp Sanest Khánh Hòa (ở Yên Bái); XSKT. Vĩnh Long - Biên phòng, PVD Thái Bình - Thông tin lienvietpostbank (ở Hải Dương).
NGUYỄN ĐÌNH