Giới bóng chuyền thường gọi Kim Huệ là “người đẹp không tuổi”, cốt để ngợi khen cựu thủ quân trẻ nhất lịch sử của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cả về tài năng lẫn sắc đẹp. Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 34, Kim Huệ vẫn mặn mà, cả trên sân đấu lẫn ngoài đời thường. Đối với cô, bóng chuyền vừa là “người tình” lại vừa là nguồn sống vô tận.
Kim Huệ (trái) thướt tha trong tà áo dài ở Cúp VTV Bình Điền 2016. Ảnh: Nhật Anh
- PV: Nhiều người bảo Kim Huệ mãi chẳng chịu già, đặc biệt là về tính cách, vẫn cứ nhiệt tình và tươi tắn như ngày mới làm quen với bóng chuyền vậy. Chị nghĩ sao?
>> Tôi đâu còn trẻ trung gì nữa, kể cả về tính cách vì khi càng lớn tuổi, suy nghĩ và hành động cần chín chắn. Nhưng đúng là mọi người vẫn luôn dành cho tôi một tình cảm thật đẹp nên mới ví von như thế. Chơi bóng chuyền chuyên nghiệp từ năm 16 tuổi đến nay, tôi trưởng thành và có được tất cả những gì tốt đẹp nhất trong sự nghiệp VĐV cũng nhờ sự khích lệ như thế của người hâm mộ, của các thầy cô từng huấn luyện mình. Đối với tôi, gia đình nhỏ và bóng chuyền là 2 tình yêu mãi mãi…
- Chị bắt đầu sự nghiệp VĐV đỉnh cao của mình khi nào và cảm xúc lần đầu tiên xuất hiện ở giải đội mạnh toàn quốc có đáng nhớ hay không?
Đấy là điều tuyệt diệu. Năm 1998, khi tôi chưa đầy 16 tuổi, mới được đôn từ đội hình trẻ do cô Kim Thanh huấn luyện lên đội 1 của Bộ Tư lệnh Thông tin của thầy Nguyễn Hữu Dông, lập tức được đi dự giải quốc gia tại Long An, sau khi chị Hương trong đội nghỉ sinh em bé. Nhỏ tuổi nhất đội, lại chơi bên cạnh các đàn chị, tôi run và rất sợ. Năm đó, đội chơi không thành công và chỉ về đích ở hạng 5. Thế nhưng, đấy lại là thời điểm tôi nhận thấy mình cần nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn để giúp đội bóng không thể trắng tay rời các giải đấu. Tôi nung nấu ý chí từ đó…
- Chưa đầy 19 tuổi, Kim Huệ từng được trao chiếc băng thủ quân của đội tuyển nữ Việt Nam. Lúc đó, chị có cảm thấy choáng ngợp?
Nhiều người vẫn luôn trêu tôi là “cô đội trưởng non choẹt” khi được giao trọng trách lớn. Nhưng thay vì sợ hãi, tôi đón nhận điều đó như nhận một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Khi bước vào trong sân, được giơ cánh tay lên để khẳng định mình là đội trưởng, tôi thấy thật trách nhiệm với các đồng đội, với bóng chuyền Việt Nam. Tôi luôn nhắc nhở mình hãy chiến đấu và đến cùng vì đội tuyển quốc gia. Đấy là một trải nghiệm đầy vinh hạnh.
Kim Huệ (5) luôn cháy hết mình trong màu áo ĐTQG. Ảnh: T.L.
- Mà vì sao chị lại chọn vị trí phụ công thay vì chọn sự mạnh mẽ của một chủ công trên sân đấu?
Tôi di chuyển rất nhanh, bắt đầu từ khi cùng các bạn tham gia kỳ tuyển chọn vào đội năng khiếu của Bộ Tư lệnh Thông tin hồi năm 1995. Với lại, lúc mới học lớp 6 tôi đã đạt chiều cao 1m68, các HLV đánh giá tôi có nhiều chỉ số hợp với vị trí đánh nhanh trên sân và có khả năng phát triển nên tôi làm quen dần với vai trò phụ công từ dạo đó và yêu thích nó cho đến tận hôm nay. Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn vị trí này. Thật đấy!
- Chị vừa thiết lập kỷ lục mới khi trở thành nữ VĐV dự đến 17 mùa giải VĐQG? Vậy đâu là động lực để chị gắn bó bền chặt với nghề như thế?
Trước hết, vì tôi yêu bóng chuyền thực sự. Thứ nữa, vì tôi từng được rèn luyện trong môi trường quân đội giàu tính kỷ luật và biết cách vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn nên có thể điều đó tôi luyện cho bản thân sức chịu đựng mãnh liệt. Tôi từng dính nhiều chấn thương và có lúc tưởng chừng đã phải từ bỏ cuộc chơi, nhưng tôi đã gượng dậy được để tiếp tục bước đi. Trong sự nghiệp của mình, có những chuyện chưa vui, đấy là ở mùa giải 2012, năm đầu tiên tôi chia tay Bộ Tư lệnh Thông tin và chọn hướng rẽ mới sau 16 năm gắn bó. Tôi nuối tiếc vì đấy là môi trường đã rèn luyện tôi thành danh, nhưng rất nhiều điều tiếng phía sau lưng nói tôi rằng chẳng qua tôi thành công được là nhờ một tập thể quy tụ toàn tuyển thủ quốc gia, chắc chắn sẽ thất bại khi rời đội. Tim tôi thắt lại khi nghe như thế, nhưng lại coi đấy như động lực buộc tôi phải cố gắng hơn bao giờ hết. Cho đến giờ này, khi tôi đang hạnh phúc ở Ngân hàng Công thương, chắc có lẽ nhiều người cũ cũng đã phần nào hiểu điều đó…
- Năm nay, Ngân hàng Công thương hăng hái quá, lại vừa trình làng một lứa VĐV triển vọng. Chị có tin đội bóng sẽ thành công sau nhiều lần trượt danh hiệu vô địch?
Danh hiệu vô địch Cúp VTV Bình Điền lần thứ 10 vừa rồi đã kích thích tôi và đội bóng hướng đến những mục tiêu mới. Lâu rồi, Ngân hàng Công thương mới lại lên ngôi. Điều đó càng trở nên ý nghĩa đối với những VĐV sắp giải nghệ như tôi. Nó ghi nhận những nỗ lực và phấn đấu không biết mệt mỏi của cả tập thể thầy lẫn trò suốt thời gian dài. Trong thể thao, khi ta cố gắng hết sức thì những gì đạt được sau đó đều xứng đáng. Năm nay, đội bóng đang trẻ hóa mạnh mẽ. Bản thân tôi hay Hà Thị Hoa, Nguyễn Thị Xuân giờ đây chỉ tự coi mình là chỗ dựa về tinh thần cho các bạn trẻ tự tin hơn khi bước vào sân đấu. Chúng tôi giữ được sự đoàn kết, biết cách động viên lẫn nhau và cùng hướng về một mục tiêu chung thì chắc chắn sẽ tiến đến trận chung kết.
- Đấy là chuyện ở CLB, còn đợt tập trung ĐTQG tới đây chuẩn bị cho Cúp Bóng chuyền nữ châu Á 2016, nếu được mời trở lại, chị có đồng ý?
Cổ nhân nói “trai 30 tuổi vẫn còn xoan, gái 30 tuổi đã toan về già”. Bạn thấy đấy, tôi đã đến ngưỡng 34 tuổi rồi, còn trẻ trung gì nữa đâu. Thế nhưng, vì tình cảm của đội bóng ngân hàng và vì còn rất đam mê bóng chuyền nên tôi mới cố gắng thi đấu. Nhưng giờ đây, tôi nghĩ rằng mình nên nhường lại cơ hội tốt đẹp đó cho các VĐV trẻ - tương lai của ĐTQG. Nên biết rằng thời điểm này đã xuất hiện rất nhiều VĐV tài năng và họ cần được bồi dưỡng để gánh vác thành tích ở đấu trường quốc tế. Lúc nào trong thâm tâm tôi cũng chỉ mong bóng chuyền nữ Việt Nam bay cao, vươn xa…
| |
LÊ QUANG - HÀ HƯNG (thực hiện)