Ngày 28-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Australia công bố báo cáo “Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022” với chủ đề “Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp”.
Theo Ngân hàng Thế giới, giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng từ 16,8% còn 5% với trên 10 triệu người dân đã được hỗ trợ thoát nghèo. Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo ở một số nhóm nghèo kinh niên đã giảm gần một nửa, bao gồm các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xuất hiện đột ngột đã làm ngưng trệ tiến độ tăng lương và cải thiện chất lượng việc làm, đồng thời khiến cho những tiến triển và nỗ lực giảm nghèo bị lùi lại.
Trong chặng đường kế tiếp, với tốc độ tăng trưởng được duy trì như giai đoạn 2012-2018, Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu, tăng trưởng GDP của Việt Nam phải đạt gần 7% mỗi năm, năng suất trên mỗi lao động phải được cải thiện, tăng từ 5,3% mỗi năm (giai đoạn 2012-2018 lên tới 6,6% mỗi năm).