Giải mã giá trị khoa học ngôi mộ tại Cầu Xéo

Trong quá trình giải tỏa, xây dựng đường cao tốc TPHCM - Dầu Giây, các nhà khảo cổ đã phát hiện và cho khai quật ngôi mộ hợp chất tại Cầu Xéo (Long Thành - Đồng Nai). Đây là quần thể kiến trúc mộ hợp chất còn giữ được gần như nguyên vẹn hình hài nguyên thủy, thuộc loại hiếm có trong các loại hình di tích kiểu này từng được khai quật trên đất Biên Hòa - Gia Định và ở cả Nam bộ xưa.

Trong quá trình giải tỏa, xây dựng đường cao tốc TPHCM - Dầu Giây, các nhà khảo cổ đã phát hiện và cho khai quật ngôi mộ hợp chất tại Cầu Xéo (Long Thành - Đồng Nai). Đây là quần thể kiến trúc mộ hợp chất còn giữ được gần như nguyên vẹn hình hài nguyên thủy, thuộc loại hiếm có trong các loại hình di tích kiểu này từng được khai quật trên đất Biên Hòa - Gia Định và ở cả Nam bộ xưa.

Kết quả giám định mẫu quách gỗ tại Trung tâm Kỹ thuật hạt nhân TPHCM cho kết quả niên đại: 270-40 BP (năm 1680) và khung tuổi chung của di tích này có thể tin cậy vào cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18. So với các mộ cổ được khai quật tại Đồng Nai và Nam bộ, đây được xem là di tích có niên đại xưa nhất từng được biết đến.

Lá sen phủ dày trên thi hài tại mộ Cầu Xéo là chi tiết khiến các nhà khảo cổ băn khoăn về tập tục mai táng của người xưa. Đã có nhiều giả thuyết được đặt ra nhằm giải thích cho cách mai táng này. Theo GS-TS Đỗ Tất Lợi và các nhà dược liệu học, đắp lá sen nhằm góp phần giữ xác lâu hơn, nên có thể coi đây như là một phần trong quá trình ướp xác cho chủ nhân ngôi mộ này. Có người lại giải thích theo ý nghĩa tâm linh, coi lá sen có tác dụng “an thần” như muốn vỗ về giấc ngủ ngàn thu cho người chết. PGS-TS Phạm Đức Mạnh cho biết thêm, dù có nhiều giả thuyết xác đáng, thì đây vẫn là điều chưa từng có trong tiền lệ các lần khai quật mộ cổ trước đây.

Có một giống quả lạ được tìm thấy dưới chân thi hài mà các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác. Giống quả lạ này được gửi đến Phòng thí nghiệm thực vật học (Trường Đại học KHTN TPHCM) và cả các chuyên gia về thực vật học tại Australia để giám định nhưng vẫn chưa tìm giống loại thực vật đồng dạng. Trong khi đó theo các lão nông am tường, hạt này có hình dạng gần giống với hạt Bời lời hay Nguyệt quế trồng nhiều ở miền Trung nước ta.

Mộ hợp chất Cầu Xéo có nhiều chi tiết trang trí, phối trí và kiến trúc mang đặc trưng của kiến trúc mộ quý tộc Nam bộ như trụ cổng hình búp sen, các cặp phù điêu rất sinh động với các chi tiết hình chim thú hoa lá đa dạng… Ngoài ra, trong quan tài còn có túi gấm đựng răng rụng, 1 bộ đồ ngoáy trầu hình ba chĩa và cả lọ ngoáy trầu bằng bạc mạ vàng, đây được xem là dấu tích “trầu cau” trong tập tục của người Việt.

Các nhà khảo cổ cũng cho rằng mộ hợp chất Cầu Xéo mang đặc trưng về kỹ thuật ướp xác tiên tiến của người Việt. Thi hài được giữ lại gần như nguyên vẹn, nằm chìm trong một dung dịch đặc quánh màu nâu đen. “Dung dịch này được cho là nước dùng để ướp xác, nhưng quá trình giám định không thể xác định chính xác người xưa dùng những dược liệu gì. Lá sen và những quả lạ được cho là quả Nguyệt quế có thể tiết dịch tạo mùi thơm cho ngôi mộ. Lớp thủy ngân rắc đầu thi hài dùng để diệt khuẩn, chống phân hủy cho xác… là những chi tiết mà chúng tôi cho là kỹ thuật ướp xác của ngôi mộ này”, PGS-TS Nguyễn Đăng Mạnh giải thích.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục