TPHCM chuẩn bị kết thúc chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn 2 năm. Kết thúc chương trình giảm nghèo - mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo đã đạt được - liệu có đồng nghĩa với việc TP đã… hết người nghèo? Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM về việc giảm nghèo của TP và những vấn đề đặt ra.
3.000 tỷ đồng cải thiện cuộc sống, giải quyết việc làm
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, Chương trình Giảm nghèo bền vững của TP sắp về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Đâu là yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định, giúp TP sớm hoàn thành được mục tiêu?
Ông LÊ MINH TẤN: Đầu năm 2016, TP có hơn 115.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ gần 5,8% tổng hộ dân TP). Trong hơn 2 năm, TP đã hỗ trợ vốn ưu đãi cho trên 100.000 lượt hộ với số tiền trên 3.000 tỷ đồng để giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống. Hơn 28.100 lao động được giải quyết việc làm; hơn 72.400 lượt học sinh diện hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí; tặng gần 780.000 thẻ BHYT cho các hộ… Dự kiến 3 tháng nữa, TP chỉ còn 4.800 hộ nghèo (chiếm 0,3% tổng hộ dân TP) và kết thúc sớm Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trước 2 năm.
Yếu tố quan trọng để giảm nghèo có hiệu quả là Nhà nước tạo động lực giảm nghèo, tác động bằng các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Từ năm 2016 đến nay, TP đã xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ người nghèo theo hướng bền vững hơn; không chỉ đo lường và giảm nghèo về thu nhập mà còn đo lường và giảm nghèo theo 5 chiều dịch vụ xã hội cơ bản. TP tạo điều kiện và môi trường để người nghèo an tâm, tổ chức sản xuất kinh doanh, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Mỗi một chính sách giảm nghèo có mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế và mục đích hỗ trợ cụ thể để tác động trực tiếp cho người nghèo, từng nhóm hộ nghèo, cận nghèo. Chính sách giảm nghèo chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo.
Tôi cho rằng, yếu tố quyết định giảm nghèo chính là ý chí phấn đấu tự vượt nghèo của bản thân người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Người nghèo TP ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi cơ bản về nếp nghĩ, loại bỏ dần tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại; biết tổ chức cuộc sống, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề, tìm kiếm việc làm.
Mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo đã đạt được, vậy tiếp theo, TP sẽ làm gì?
Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu ưu tiên và thực hiện lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống người dân TP không ngừng được cải thiện và chuẩn nghèo cần được nâng lên tương ứng. Giai đoạn 2019-2020, TP dự kiến nâng mức chuẩn hộ nghèo TP lên 28 triệu đồng/người/năm và mức chuẩn hộ cận nghèo là 36 triệu đồng/người/năm. TP tiếp tục giữ nguyên 5 chiều với 11 chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp với thực trạng đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội TP. Với mức chuẩn nghèo, cận nghèo như trên, dự báo đầu năm 2019, TP có khoảng 5% tổng hộ dân TP (tương đương khoảng 100.000 hộ), nằm trong diện nghèo, cận nghèo. Trong 2 năm tới, TP tập trung giúp người nghèo giảm nghèo về mặt nghề nghiệp, giáo dục, nhà ở, bảo hiểm xã hội. Đây vốn là những chiều thiếu hụt rất khó thực hiện kéo giảm.
TP vẫn còn nhóm hộ nghèo diện khó khăn đặc biệt cần phải được trợ cấp xã hội thường xuyên, bởi các hộ này thiếu nguồn lực để tự thoát nghèo (thiếu lao động, thường bệnh tật). Một bộ phận nhỏ người nghèo, hộ nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ, cần được vận động, tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức.
Giảm nghèo mà hộ nghèo chưa thực sự giảm?
5 giai đoạn giảm nghèo, mỗi khi bắt đầu chương trình ở giai đoạn mới, lại có khoảng 100.000 - 150.000 hộ nghèo. Con số hộ nghèo không thay đổi nhiều trong suốt 26 năm qua, phải chăng chúng ta giảm nghèo mà hộ nghèo lại thực sự chưa giảm?
Đầu mỗi giai đoạn giảm nghèo thường có khoảng 5%-5,8% tổng hộ dân TP nằm trong diện nghèo. Tôi cho rằng tỷ lệ này là phù hợp. Nhiều đô thị phát triển trên thế giới cũng có tỷ lệ hộ nghèo như thế. Ở TPHCM, thường mỗi chu kỳ 2 năm, có khoảng 6.000 hộ nghèo vươn lên thoát khỏi hộ nghèo một cách bền vững.
Tổng quan chương trình giảm nghèo bền vững của TP, tôi thừa nhận “vững” cũng chưa hẳn “vững” lắm, còn “bền” thì cần có thời gian. Nhiều hộ dân tuy vượt nghèo, song khả năng tái nghèo vẫn cao, chỉ cần một sự cố nho nhỏ trong cuộc sống về việc làm, về sức khỏe, là đồng nghĩa hiện hữu nguy cơ tái nghèo. Chúng tôi luôn ý thức điều đó và đặt ra trách nhiệm cho mình là tiếp tục thực hiện các giải pháp, tìm tòi giải pháp mới với mục tiêu không để hộ nào bị rớt lại phía sau trong quá trình TP phát triển kinh tế - xã hội.
Thưa ông, qua các báo cáo giảm nghèo của một số quận cho thấy, khi người dân nghèo thuộc diện di dời giải tỏa, thì quận đó đưa số hộ dân nghèo đó ra khỏi danh sách hộ nghèo và báo là hết nghèo. Trên thực tế, nhiều hộ tái định cư có đời sống rất khó khăn nhưng ở địa phương mới họ lại không được đưa vào diện hộ nghèo. Ông có đồng thuận khi có ý kiến cho rằng một bộ phận hộ nghèo không giảm đi, mà chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác?
Có thể trong quá trình thực hiện chỉnh trang đô thị, một bộ phận người nghèo nằm trong diện di dời giải tỏa đã thay đổi môi trường sống và bị sót lọt, nằm ngoài danh sách hộ nghèo. Tôi sẽ lưu ý điều này và yêu cầu các quận, huyện hết sức lưu ý, không để những hộ dân vốn dễ bị tổn thương bởi đã bị thay đổi môi trường sống, lại nằm ngoài danh sách hộ nghèo, nếu họ thực sự khó khăn trong cuộc sống. Nhất là khi hiện nay, TP đang thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị, tác động đến hơn 20.000 hộ dân sống trên và ven kênh rạch, trong đó có một phần hộ nghèo, cận nghèo. Khi thực hiện công tác di dời giải tỏa, đồng thời phải có biện pháp để quan tâm, chăm chút cho đời sống người dân.
Trong giảm nghèo đa chiều, khó nhất là giảm nghèo về mặt nhà ở và việc làm. Ông có giải pháp nào cho hai vấn đề này?
Muốn thoát nghèo, phải có được việc làm, tự tạo ra thu nhập. TP đã và tiếp tục rà soát, phân loại trình độ học vấn, độ tuổi, tình trạng lao động (có việc làm ổn định, việc làm không ổn định, không có việc làm) của người lao động trong hộ nghèo để vận động, đưa vào kế hoạch đào tạo nghề hàng năm. Về việc làm, TP nghiên cứu nhân rộng các mô hình sản xuất làm ăn hiệu quả, kết hợp với chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tạo việc làm cho người nghèo. Hỗ trợ người lao động nghèo tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình thông qua vay vốn ưu đãi của tổ chức đoàn thể; cũng như tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh được vay vốn, mở rộng sản xuất, thu hút lao động nghèo vào làm việc. Việc đưa người nghèo đi xuất khẩu lao động cũng được thông tin rộng rãi và TP hỗ trợ các chi phí cho việc đi làm việc ở nước ngoài.
Liên quan đến nhà ở, trước mắt, TP tập trung ưu tiên hỗ trợ sửa chữa, chống dột, xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo. Về lâu dài, từng bước nâng diện tích nhà ở cho người nghèo, cận nghèo gắn với các chương trình chỉnh trang đô thị, phát triển các khu đô thị mới. Thực hiện cho vay ưu đãi để hộ nghèo sửa chữa nhà ở. Đặc biệt, TP tính tới nghiên cứu, khảo sát và triển khai chính sách hỗ trợ người nghèo mua hoặc thuê nhà ở xã hội.
Khoảng cách giàu - nghèo của TPHCM đang nới rộng. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của nhóm hộ nghèo bứt phá lên thành các nhóm xã hội có mức sống cao hơn, không còn lẩn quẩn nghèo - vượt nghèo - tái nghèo?
Khoảng cách giàu - nghèo nới rộng đang tạo ra áp lực và thách thức lớn hơn cho việc giảm nghèo. Chúng ta không thể kéo lùi khả năng làm giàu chính đáng của những người có đời sống khá giả, bởi làm giàu là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Song, chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ những người có cuộc sống khó khăn từng bước thay đổi chất lượng cuộc sống. Các giải pháp giảm nghèo của TP đã chuyển từ cho “con cá” sang giúp “cần câu”. Tất nhiên, tôi hiểu rằng, có cần câu mà “ngư trường” không thuận lợi thì chưa chắc đã hiệu quả, chưa chắc đã câu được cá. Vì thế, TP tiếp tục tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để người nghèo an tâm sản xuất kinh doanh, cũng như tăng cường khả năng giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Trên nền tảng các giải pháp hỗ trợ của chương trình, là vai trò tự vươn lên của hộ nghèo.