Giải pháp nào cho tình trạng thiếu điện?

Nguồn điện: thiếu và chưa ổn định
Giải pháp nào cho tình trạng thiếu điện?

Việc một số nhà máy điện liên tục gặp sự cố chưa thể khắc phục, trong khi phụ tải điện vẫn luôn ở mức cao, đã khiến cho nguồn điện cung cấp cho cả nước từ nay đến tháng 9-2007 gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi sự cố cháy máy biến áp tại trạm 500kV Đà Nẵng xảy ra và hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn ngưng hoạt động từ 29 – 8 đến 16-9 để sửa chữa.

Nguồn điện: thiếu và chưa ổn định

Giải pháp nào cho tình trạng thiếu điện? ảnh 1

Hai bảng quảng cáo ngoài trời không thực hiện giảm 50% đèn chiếu sáng.

Ông Nguyễn Hà Đông, Giám đốc Công ty Truyền tải điện lực 2 cho biết, để có thể thay thế trạm biến áp AT2 pha B vừa mới bị cháy tại trạm 500kV Đà Nẵng phải mất gần một tháng.

Trong thời gian này, nguồn điện cung cấp cho 6 tỉnh miền Trung sẽ phải rơi vào trạng thái chập chờn. EVN đã xác định, việc cần làm cấp bách trước mắt là sẽ huy động tối đa nguồn điện để đảm bảo cung cấp cho khu vực miền Trung. Tuy nhiên, ngay cả nếu không xảy ra sự cố trên thì việc đảm bảo duy trì nguồn điện cung cấp cho cả nước từ nay đến tháng 9 đã rất khó khăn.

Vì hiện EVN vẫn chưa có nguồn điện dự phòng; các sự cố tại các tổ máy liên tục xảy ra như sự cố tại tổ máy số 2 Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2, công suất 360MW và tổ máy của thủy điện Sê San 3A; thủy điện Hòa Bình không thể chạy hết công suất do đang phải trữ nước phục vụ phòng chống lũ…

Và khi hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn ngưng hoạt động thì hàng loạt nhà máy điện như tổ máy phát điện cụm Phú Mỹ (bao gồm Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, Công ty BOT Phú Mỹ 3 và Công ty Năng lượng Mê Kông) với tổng công suất khoảng 4.000MW, chiếm 35% tổng công suất toàn hệ thống bị ngưng cung cấp nhiên liệu.

Ngoài ra, sản lượng điện huy động từ khí Nam Côn Sơn khoảng 70 triệu kWh/ngày, chiếm 34% sản lượng điện toàn hệ thống cũng bị mất đi. Các nhà máy điện chạy bằng khí được huy động chuyển sang chạy bằng nhiên liệu dầu diesel, nhưng cũng chỉ hoạt động được 50% công suất.

Mặt khác, Bộ Công thương cho biết thêm, mặc dù thời gian qua trên địa bàn cả nước đã xuất hiện mưa, nhưng dự báo thời tiết trong các tháng tới tiếp tục nắng nóng kéo dài, nên nhu cầu phụ tải dự kiến sẽ cao hơn so với cùng kỳ khoảng 16% - 20%. Do đó, tình trạng thiếu điện rất khó tránh khỏi.

Trên thực tế, khi hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn ngưng hoạt động đợt 1, cả nước đã thiếu khoảng 400MW điện. Tuy đây chưa phải là con số thiếu điện nghiêm trọng nhất, nhưng vào thời điểm đó chưa xảy ra các sự cố tại các nhà máy điện. Còn tại thời điểm này thì khó để nói rằng con số thiếu điện chỉ dừng ở mức 400MW.

Tiết kiệm điện vẫn là giải pháp hàng đầu

Giải pháp nào cho tình trạng thiếu điện? ảnh 2

Một bảng quảng cáo ngoài trời thực hiện giảm 50% đèn chiếu sáng. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Theo EVN, giải pháp căn cơ nhất hiện nay nhằm đối phó với tình trạng thiếu điện vẫn là triệt để tiết kiệm điện. Trong thời gian qua, việc thực hiện tốt giải pháp này tại nhiều tỉnh như Cần Thơ, Gia Lai, Hà Nội, Vĩnh Long… đã giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm điện.

Đặc biệt, tại TPHCM một trong những tỉnh - thành có nhu cầu sử dụng điện cao nhất nước. Trong những đợt cao điểm thiếu điện vừa qua, Công ty Điện lực TPHCM đã phải liên tục có công văn gửi EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam, kiến nghị ưu tiên phụ tải khu vực TPHCM, nhưng việc đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cũng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, đã phải thực hiện cắt điện luân phiên một số khu vực trên địa bàn TPHCM vào những giờ cao điểm.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng thiếu điện sắp tới, một mặt công ty gửi công văn cho EVN có kế hoạch ưu tiên phụ tải điện. Mặt khác, triển khai một số biện pháp có tính cấp bách như huy động nguồn máy phát của khách hàng; kết hợp cắt điện công tác sửa chữa bảo trì lưới điện, công tác khai quang mé nhánh cây xanh. Trong các trường hợp phải cắt điện theo yêu cầu của các cấp điều độ, công ty sẽ kết hợp tối đa công tác bảo trì sửa chữa lưới điện của các đơn vị.

Việc cắt điện sẽ được tính toán để tránh ảnh hưởng đến sản xuất. Thực hiện thông báo cho các khách hàng mất điện theo đúng quy định. Trên thực tế, trong 7 tháng đầu năm, TP đã tiết kiệm được 67,58 triệu kWh, đạt 109,73% so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, để đảm bảo cho nguồn điện cung cấp được ổn định, lâu dài thì công tác tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả vẫn phải được duy trì thường xuyên.

Do đó, hiện công ty sẽ tiếp tục vận động Công ty Chiếu sáng TPHCM cắt xen kẽ gần 50% số lượng đèn chiếu sáng đường phố, các bảng quảng cáo, chiếu sáng công viên; thay bóng đèn chiếu sáng dân lập có công suất lớn bằng các đèn có công suất nhỏ hơn 100W và có hiệu suất cao; vận động các cơ quan hành chính sự nghiệp tiết kiệm 10% điện năng tiêu thụ so với năm 2006; phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức 15 khóa đào tạo về tiết kiệm năng lượng cho hơn 3.000 đơn vị là các đơn vị hành chánh sự nghiệp, cơ quan thụ hưởng ngân sách nhà nước; hỗ trợ, tư vấn cho người dân các biện pháp tiết kiệm điện; theo dõi thường xuyên điện năng tiêu thụ và có thông báo cho các đơn vị  khi lượng điện năng tiêu thụ tăng...

Và nếu các giải pháp trên cùng được triển khai rộng rãi, hiệu quả tại các tỉnh TP trên cả nước thì chắc chắn việc thiếu điện sẽ giảm đáng kể.

Tiết kiệm điện sẽ giảm gánh nặng cho ngành điện và góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Do đó, nhất thiết phải biến hành động tiết kiệm điện trở thành thói quen cần thiết đối với mỗi gia đình và đối với cộng đồng.

Trà My

Tin cùng chuyên mục