(SGGP).- Sau thời gian dài quan trắc và nghiên cứu, ngày 12-5, tại Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế và Thủy lợi miền Trung (đóng tại Hội An, Quảng Nam), các nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản đã công bố kết quả ban đầu về cơ chế xói lở và nêu một số giải pháp phòng chống xói lở bờ biển Cửa Đại (Hội An).
Hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra ngày càng nghiêm trọng tại vùng bờ biển Hội An (Quảng Nam). Tại khu vực bãi tắm Cửa Đại, chỉ trong thời gian ngắn, sóng biển đã xâm thực sâu vào đất liền hơn 50m, đe dọa xóa sổ nhiều công trình, nhà cửa tại đây. TP Hội An và tỉnh Quảng Nam đã áp dụng giải pháp xây dựng kè bằng bao địa để sóng biển không lấn sâu vào đất liền. Tuy nhiên, sau khi làm đoạn kè này, hiện tượng xói lở lan dần ra bờ Bắc Cửa Đại, phá hủy nhiều công trình, cơ sở tại đây.
Giáo sư Hitoshi Tanaka (Đại học Tohoku, Nhật Bản) cho biết, hiện tượng xói lở bờ biển Cửa Đại là do thiếu hụt nguồn cát từ trên nguồn đổ xuống vì qua quan trắc, thấy xói lở xảy ra ở khu vực cửa sông chứ không phải xảy ra ở trên toàn bộ bờ biển. Hiện tượng xói lở ngày càng lan dần ra phía Bắc bờ biển và có xu thế ngày càng rõ rệt hơn. Nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt nguồn cát tại khu vực Cửa Đại do liên quan đến hoạt động khai thác cát trên hệ thống sông Thu Bồn. Bên cạnh đó, các hồ chứa nước trên thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã giữ lại một lượng lớn bùn cát trong hồ chứa dẫn đến hạ lưu thiếu hụt nguồn bùn cát bồi lấp hàng năm.
Giáo sư Hitoshi Tanaka cho rằng, để hạn chế xói lở ở Cửa Đại phải có giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Đối với các vị trí xói lở nghiêm trọng thì dùng các giải pháp công trình để hạn chế ngay hiện tượng xói lở. Tuy nhiên, nếu chúng ta sử dụng giải pháp công trình tại ngay vị trí xói lở đó thì hiện tượng xói lở sẽ lan truyền sang vị trí lân cận. Có nghĩa chúng ta bảo vệ chỗ này lại gây hậu quả ở chỗ khác. Vì vậy, về lâu dài không thể làm như thế được. Ở thượng nguồn có rất nhiều hồ chứa dẫn đến bùn cát bị giữ lại trong lòng hồ chứa đó, vì vậy phải tìm cách giải phóng lượng bùn cát trong các hồ chứa đó để đưa về hạ lưu. Tuy nhiên, làm như thế sẽ rất phức tạp. Vì vậy, các giải pháp dài hạn cần phải nghiên cứu, xem xét trên toàn bộ lưu vực để làm sao bù lại lượng bùn cát bị lắng đọng ở các hồ chứa. Nhưng để thực hiện phải có nghiên cứu và đưa ra giải pháp tổng thể chứ không thể để xói lở chỗ nào, ứng phó chỗ đó.
Theo PGS-TS Trần Thanh Tùng, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật biển - Đại học Thủy Lợi, phương pháp nuôi bãi tại biển Hội An là khả thi. Tuy nhiên, giải pháp này phải được thực hiện theo chu kỳ cứ vài năm phải tái thực hiện một lần mới thành công và cần có nguồn vốn lớn.
PGS-TS Trần Thanh Tùng cũng cảnh báo, hiện nay khu vực bờ Bắc Cửa Đại xảy ra hiện tượng xói lở, trong khi đó ở bờ Nam bắt đầu có nhiều doanh nghiệp đến khai thác du lịch tại đây. Và rất có thể khu vực này cũng sẽ xảy ra xói lở như bờ Bắc. Vì vậy, nếu không có quy hoạch tổng thể sẽ xảy ra hậu quả trong 5 hoặc 10 năm tới. Điều quan trọng nữa là kết hợp giải pháp nuôi bãi và giải pháp công trình để cứu biển Cửa Đại chứ không thể nôn nóng chọn giải pháp tình thế.
| |
Nguyên Khôi
- Xói lở ven biển Quảng Nam: Giải pháp từ… thượng nguồn
- Miền Trung: Lở từ sông ra biển