Không thể nhân danh công lý hành hung người khác
Việc đánh con tàn nhẫn là sai, nhưng chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền xử lý, tùy mức độ sẽ xử lý hành chính hoặc hình sự. Hành động xông vào nhà người khác, nhân danh công lý để đánh người khác là vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho xã hội, nếu không xử lý sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong việc hành xử giữa con người với con người trong xã hội. Khi đó, người dân sẽ không cần đến pháp luật mà tự xử lý, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng “luật rừng”.
Theo Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015, người có hành vi xâm phạm chỗ ở người khác bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát..., có thể bị phạt tù đến 5 năm. Còn hành vi hành hung người khác, nếu giám định thương tật mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% - 30% hoặc dưới 11%, nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm.
Những người sử dụng mạng xã hội cổ vũ, treo thưởng cho việc dùng bạo lực để trừng trị người cha bạo lực với con nhỏ cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Luật An ninh mạng nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Ngoài ra, hành vi kích động, xúi giục người khác vi phạm pháp luật còn có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm, tương ứng với tội phạm mà kẻ thực hiện hành vi phạm tội đã gây ra.
VĨNH LINH - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Đừng cuốn theo “hội chứng đám đông”
Dùng bạo lực trong giao tiếp ứng xử, giải quyết bất hòa và xử lý tình huống căng thẳng đang là vấn nạn trong xã hội hiện nay với nhiều mức độ, tính chất khác nhau. Trong gia đình, những vụ bạo lực đều để lại ký ức xấu không dễ nhạt phai cho người trong cuộc. Nguyên nhân chủ yếu của thói hành xử bạo lực là sự thiếu tôn trọng nhau trong đời sống do cá tính nóng nảy, độc đoán tự tôn, kẻ cả, xem thường pháp luật. Căn nguyên từ trình độ dân trí thấp nên khi nhận thức, quan điểm dị biệt về vấn đề gì đó là sẵn sàng hành xử thiếu văn hóa, thậm chí dùng bạo lực để giải quyết điều khác biệt và buộc người khác phải theo ý mình.
Mỗi người cần có ý thức tự điều chỉnh để không vi phạm pháp luật, không bốc đồng hành xử theo thói côn đồ bất chấp luật pháp; biết kiềm chế, ý thức tốt trách nhiệm của mình đối với gia đình và cộng đồng. Khi gặp tình huống bất hòa, va chạm cần bình tĩnh, cởi mở, tế nhị để có được giải pháp tốt. Không để bị cuốn theo “hội chứng đám đông”, dẫn đến hành xử bạo lực để trừng trị những kẻ có hành vi sai quấy, phạm pháp, khiến tự đẩy mình vào tình cảnh phạm pháp. Nên dùng phương thức phản ánh, tố cáo hoặc giao tội phạm cho các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý.
NGUYỄN VĂN THƯỚC - Liên hiệp Hội KH-KT Cà Mau
Xử lý nghiêm các hành vi bạo lực
Chuyện hành xử bạo lực ngày càng phổ biến. Có nguyên nhân từ đạo đức xã hội xuống cấp; nhiều mối quan hệ xã hội bị thương mại hóa do bị chi phối của đồng tiền; nhiều hành vi lệch chuẩn, trái với đạo đức truyền thống nhưng không bị xã hội lên án mạnh mẽ. Các mối quan hệ xã hội, gia đình, anh em, bè bạn… trong nhiều trường hợp giải quyết một cách sòng phẳng gắn với tiền bạc, tài sản và cả với bạo lực. Trong khi đó, nhiều hành vi sai phạm chưa bị kiểm soát, xử lý nghiêm minh, khiến người dân bất bình và chọn cách tự xử để trừng trị.
Để từng bước ngăn chặn và hạn chế tình trạng bạo lực trong gia đình, học đường và ngoài xã hội, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; chú trọng giáo dục lòng nhân ái trong gia đình, làng xóm; quan tâm giải quyết các bất hòa, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, tạo môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả của các tổ hòa giải ở cơ sở; xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm. Song song đó, tiến hành các biện pháp ngăn chặn bạo lực và đây phải là công tác lâu dài, liên tục trong toàn xã hội.
LÊ QUANG HUY - Giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang