(SGGP).- Ngày 30-7, tại TPHCM, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Đại học Kinh tế TPHCM tổ chức hội thảo “Thực trạng, định hướng và giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”. Tại hội thảo, GS.TS Võ Thanh Thu, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, Việt Nam sắp bước vào 30 năm đổi mới kinh tế, nhưng chỉ mới xây dựng được nền công nghiệp gia công mang tính phụ thuộc chứ chưa thực hiện chủ trương “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Kinh tế Việt Nam đứng trước một nghịch lý: Nguyên liệu trong nước có khả năng cung cấp được thì xuất khẩu thô (nông sản, than đá, nhiều năm xuất khẩu dầu thô…). Các ngành công nghiệp chủ lực, mang lại ngoại tệ cho đất nước chủ yếu gia công lắp ráp; nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ (CNHT) kém phát triển. Theo GS-TS Thu, sở dĩ CNHT ở Việt Nam kém phát triển là do cơ chế chính sách hỗ trợ chưa rõ ràng. Để CNHT phát triển, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức phát triển CNHT. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển CNHT. Mặt khác, có các giải pháp về công nghệ và chuyển giao kiến thức, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp…
Tại hội thảo, nhiều ý kiến còn cho rằng, do hiện nay khái niệm về CNHT chưa rõ nên chính sách hỗ trợ chưa sát với thực tế. Do đó, cần xem xét và định nghĩa lại khái niệm về CNHT để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, phải xác định rõ ngành công nghiệp mũi nhọn, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia… Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Xuân Đương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta đã có những bước chuyển. Đó là chuyển từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu sang nền kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp nền tảng cần phải có thời gian, trong đó đường lối chính sách của nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng, cũng như sự điều chỉnh mô hình cho phù hợp.
ĐÌNH LÝ