Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất của cả nước với tổng diện tích gieo trồng khoảng 3,86 triệu hécta với sản lượng hàng năm đạt xấp xỉ 25 triệu tấn, chiếm khoảng 55% tổng sản lượng lúa của cả nước… Mặc dù vậy, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chuỗi giá trị lúa gạo còn nhiều điểm chưa hợp lý và đời sống của nông dân trồng lúa chưa được cải thiện tương xứng với sự đóng góp của họ.
Để giải quyết vấn đề trên, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (SIAEP) đưa ra các giải pháp sau thu hoạch góp phần phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo ĐBSCL.
Theo TS Phạm Văn Tấn của SIAEP, chuỗi cung ứng lúa gạo bao gồm một quy trình công nghệ hợp lý theo thứ tự các công đoạn như sau: tạo giống, canh tác (gieo trồng và chăm sóc), thu hoạch, làm khô, bảo quản, xay xát - chế biến và tiêu thụ. Trong chuỗi của các công đoạn này, chất lượng sản phẩm tại đầu ra của mỗi công đoạn không chỉ phụ thuộc vào chất lượng công nghệ của chính công đoạn đó, mà còn phụ thuộc vào chất lượng công nghệ của tất cả các công đoạn đã được tiến hành trước đó.
Giải pháp sau thu hoạch góp phần phát triển chuỗi cung ứng lúa gạo ĐBSCL còn cho thấy, mục đích của bảo quản là để đảm bảo chất lượng của lúa và chủ động trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh lúa gạo. Hầu hết nông dân ĐBSCL chỉ đủ khả năng để bảo quản lúa giống và lúa ăn trong gia đình để chờ giáp vụ với khối lượng nhỏ. Nếu chưa thể bán ngay lượng lúa hàng hóa này do giá cả thị trường quá thấp, sau khi làm khô sơ bộ đến độ ẩm 15% - 16%, nông dân thường chứa tạm lúa trong các bao tải PP hay bao đay từ 30-50kg, chất đống trong nhà hay để ngoài trời với bạt phủ che mưa và sương trong vòng 1 đến 2 tuần, đôi khi đến vài tháng thì những “mất mát” chất lượng gạo cũng gây thiệt hại về kinh tế. Hay vài năm gần đây, khâu làm khô lúa sau thu hoạch bằng máy sấy ở ĐBSCL đã phát triển đáng kể, chiếm khoảng 47% so với nhu cầu. Song công nghệ và thiết bị sấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu làm khô lúa ở ĐBSCL hiện nay.
TS Phạm Văn Tấn cho rằng, mặc dù được bảo quản với công nghệ tiên tiến, hạt lúa không thể có được chất lượng tốt, độ thu hồi gạo trắng và tỷ lệ gạo nguyên trong xay xát sẽ không thể cao nếu trước đó hạt lúa không được sấy đảm bảo chất lượng (như nhiệt độ sấy hay tốc độ sấy quá cao gây rạn nứt ngầm), hoặc độ ẩm hạt còn cao hơn 13% - 14% mà lại đưa vào bảo quản. Ngược lại, một công nghệ lạc hậu, không đạt yêu cầu của bất kỳ công đoạn nào trong chuỗi cũng có thể gây tổn hại, thậm chí làm hủy hoại hoàn toàn những thành quả có được của những công đoạn đã được tiến hành trước đó. Hay nói cách khác, để giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL, sấy và bảo quản lúa là hai công đoạn then chốt cần đặc biệt quan tâm để cải tiến và phát triển trong quá trình sản xuất lúa gạo.
TẤN BA