Giải pháp ứng phó nhiều thử thách thời đại

Diễn đàn Kinh tế thế giới 2020 tại Davos, Thụy Sĩ là sự kiện kết nối cao cấp của những người giàu nhất thế giới. Chủ đề năm nay của sự kiện là “Các bên liên quan hướng tới thế giới bền vững và đoàn kết”.
Trẻ em ngày càng tiếp cận sớm các công nghệ mới. Ảnh minh họa của WEF
Trẻ em ngày càng tiếp cận sớm các công nghệ mới. Ảnh minh họa của WEF

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2020 tại Davos kéo dài từ ngày 21 đến 24-1, với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu, trong đó có gần 120 tỷ phú. Trong bối cảnh thế giới bước vào thập niên mới và đối mặt với nhiều thách thức về thương mại, chính trị, xã hội, WEF 2020 đánh dấu kỷ niệm 50 năm tồn tại của mình bằng các báo cáo mới nhất về toàn cảnh kinh tế thế giới cùng các giải pháp ứng phó.

“Điểm mù” của thế giới

 WEF 2020 tại Davos, Thụy Sĩ là sự kiện kết nối cao cấp của những người giàu nhất thế giới. Chủ đề năm nay của sự kiện là “Các bên liên quan hướng tới thế giới bền vững và đoàn kết”.

5 rủi ro hàng đầu xét theo khả năng xảy ra và 3/5 rủi ro xét theo mức độ tác động do WEF xếp hạng đều liên quan đến khí hậu. Tác giả chính của bản báo cáo, Emilio Granados Franco, Trưởng phòng Rủi ro toàn cầu và Chương trình nghị sự địa chính trị tại WEF, cho rằng: “Có lẽ đây là “điểm mù” của thế giới trong năm nay, bởi rủi ro môi trường và kinh tế chắc chắn có liên quan chặt chẽ đến nhau”.

Báo cáo chỉ ra, thế hệ trẻ là những người lo ngại về rủi ro môi trường nhất, gần 90% số người trẻ được hỏi tin rằng hệ sinh thái sẽ bị phá hủy và sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Mọi thứ sẽ trầm trọng hơn vào năm 2020, họ tin rằng tác động từ rủi ro môi trường vào năm 2030 sẽ thảm khốc hơn nhiều.

Lịch sử 15 năm của Báo cáo rủi ro toàn cầu cho thấy, các rủi ro rất phức tạp và có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Phân tích rủi ro thời hiện đại sẽ định hình các quyết định, đưa ra dự báo và tiết lộ các cơ hội. Đó là lý do tại sao WEF đặt ra chương trình nghị sự trong năm với việc ra mắt Báo cáo rủi ro toàn cầu.

Tạo môi trường giáo dục hiện đại

Trong bối cảnh việc làm không ổn định, nhu cầu về các kỹ năng mới và sự phân cực kinh tế - xã hội gia tăng, hệ thống các trường tiểu học và trung học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo những công dân toàn cầu, phù hợp với thị trường lao động tương lai. Do đó, các mô hình giáo dục phải luôn thích ứng để trang bị cho trẻ em những kỹ năng cần thiết nhằm tạo ra một thế giới toàn diện, gắn kết và hiệu quả hơn. WEF đã chỉ ra các yếu tố then chốt về nội dung học tập và thực hành để tạo ra một môi trường giáo dục chất lượng cao trong thời 4.0.

Trước hết, giáo dục 4.0 cần trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng và nhận thức về một thế giới rộng lớn hơn quốc gia mình đang sống để tạo ra những công dân toàn cầu. Tiếp đến là trau dồi kỹ năng đổi mới và sáng tạo, chẳng hạn như kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phân tích, tư duy sáng tạo, phân tích hệ thống; mài giũa kỹ năng giao tiếp tập trung vào trí tuệ cảm xúc cá nhân, trong đó có sự đồng cảm, hợp tác, đàm phán, lãnh đạo và nhận thức xã hội; chuyển từ một hệ thống giáo dục được chuẩn hóa chung cho tất cả mọi người sang một hệ thống dựa trên nhu cầu cá nhân, năng lực của từng học sinh và đủ linh hoạt để cho phép mỗi người tiến bộ theo tốc độ của riêng mình; thay đổi mô hình giáo dục truyền thống sang phương pháp giáo dục mới như học tập theo vấn đề và học tập theo dự án.

Những phương pháp này đòi hỏi người học phải hợp tác ngang hàng và phối hợp trực tiếp với nhau trong quá trình học. Đây là kỹ năng cần thiết của người lao động trong thời đại 4.0.

Cuối cùng là học tập suốt đời. Rất nhiều kiến thức học sinh được trang bị ngày hôm nay sẽ trở nên lỗi thời trong tương lai gần. Vì vậy, mô hình giáo dục trong thời đại 4.0 cần tạo điều kiện cho người học có cơ hội được học tập suốt đời. Mọi người sẽ liên tục cải thiện các kỹ năng hiện có và tiếp thu những kỹ năng mới dựa trên nhu cầu cá nhân của họ.

Tin cùng chuyên mục