Thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng do nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng, từ khi các ngân hàng thực hiện việc siết cho vay BĐS, nhiều dự án đang thực hiện dở dang phải “trùm mền”. Nhà tồn hàng ngàn căn không ai mua. Người có nhu cầu ở cũng không vay được tiền để mua nhà… Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho phép mở van tín dụng BĐS, nhiều gói tín dụng cho vay liên quan đến BĐS đã được tung ra. Liệu giải pháp vốn này có thể làm cho thị trường BĐS tan băng?
Nhiều ngân hàng tham gia
Sau khi được lệnh cho vay lại đối với BĐS từ NHNN, nhiều ngân hàng đã vào cuộc. Khoảng giữa tháng 4, SeABank đã dành 1.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua, xây sửa chữa nhà ở lãi suất giảm 3%/năm so với lãi vay thông thường trước đó, tương ứng lãi suất 17,1%/năm và miễn trả lãi 1 tháng đầu tiên của kỳ hạn vay. Cùng thời điểm này, HDBank cũng triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất cho vay” đối với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng cá nhân với mức giảm lãi suất lên đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua nhà ở, xây sửa nhà hoặc vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm sẽ được HDBank cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi nhất có thời hạn vay tối đa lên đến 60 tháng với số tiền vay tối đa là 5 tỷ đồng. Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đưa ra chương trình “Tích lũy từ lương, dựng xây tổ ấm” đối với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà với lãi suất giảm 1 điểm % so với lãi suất bình thường.
Loại hình vay này của ACB có nhận thế chấp BĐS, người vay chứng minh thu nhập từ tiền lương, tiền công để trả khoản vay. Sau đó, ACB tiếp tục công bố dành 1.000 tỷ đồng cho chương trình “Tăng thời hạn vay vốn, giảm áp lực trả nợ” cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh có nhu cầu vay mua nhà, đất, căn hộ với thời hạn vay dài hơn và phương thức trả nợ linh hoạt. Khách hàng được ân hạn vốn đến 12 tháng, ngân hàng tài trợ 85% giá trị nhà mua.
Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết vừa dành gói tín dụng trị giá 4.000 tỷ đồng cho cá nhân, hộ gia đình mua nhà các dự án do BIDV tài trợ với lãi suất hấp dẫn 16%/năm (chưa kể phần hỗ trợ của chủ dự án), thời gian vay có thể đến 15 năm, mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà. Không chỉ các ngân hàng thương mại trong nước, ngân hàng nước ngoài cũng tham gia cho vay BĐS.
Từ nay đến hết ngày 31-5 và giải ngân trước ngày 30-6, Ngân hàng ANZ giảm lãi suất cho vay mua nhà 2 điểm % trong 3 tháng đầu tiên cho các khoản vay có tài sản thế chấp lần đầu từ 500 triệu đồng trở lên. Lãi suất cho vay áp dụng cho chương trình này từ 17% - 17,5%/năm tùy theo nhóm khách hàng. Ngoài ra, ANZ còn áp dụng thời gian cho vay 20 năm và hạn mức cho vay 70% giá trị tài sản thế chấp…
Liên kết nhiều “nhà”
Không chỉ tung ra các gói cho vay BĐS, tuần qua, Ngân hàng BIDV cũng đã phối hợp với Hiệp hội BĐS TPHCM (HOREA) tổ chức buổi tọa đàm tìm giải pháp vốn để cứu thị trường địa ốc. Tại đây, HOREA cho biết, năm 2012, thị trường BĐS vẫn hết sức khó khăn. Đầu ra của thị trường liên quan đến vốn, tính thanh khoản và xử lý lượng căn hộ đang tồn đọng trên thị trường.
Tại buổi tọa đàm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà khẳng định, BIDV sẽ tạo điều kiện cho các DN cơ cấu lại các khoản nợ, tiếp cận được các khoản vay mới với mặt bằng lãi suất thấp hơn. “Đối với những DN làm ăn chân chính, bản thân BIDV cũng như các ngân hàng khác sẽ tích cực hỗ trợ để cùng các DN vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Hà cho hay.
Đồng hành khó khăn với DN, BIDV đã đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ như: rà soát lại toàn bộ khoản vay của DN BĐS để từ đó hỗ trợ DN cơ cấu lại tài chính, xác định lại nguồn vốn đầu tư cho hiệu quả hơn; miễn giảm lãi đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ với lãi suất cao cũng được điều chỉnh theo lãi suất hiện nay, những DN tổn thất tài chính do khủng hoảng kinh tế cũng sẽ được miễn giảm một phần lãi suất...
Trước mắt, để giải quyết đầu ra cho DN, Ngân hàng BIDV cho biết sẽ đưa ra gói tín dụng hỗ trợ cho 3 “nhà”: nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng và nhà cung ứng vật liệu xây dựng. Theo đó, BIDV có thể cho 3 “nhà” vay từ 70% - 90% giá trị dự án, giá trị xây lắp, cung ứng vật tư. Điều kiện được hỗ trợ trong gói tín dụng này là các dự án xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại... hoàn thành trước tháng 6-2014 và có sản phẩm đầu ra phù hợp với thị trường.
Ngoài ra, BIDV cũng sẽ mở rộng các đối tượng vay như: mua nhà để ở, cho thuê, sửa chữa, xây dựng, đầu tư… Thông qua gói tín dụng này, khách hàng cũng được BIDV giới thiệu, kết nối với chủ đầu tư uy tín để lựa chọn căn hộ, nhà ở với diện tích phù hợp, giá hợp lý.
Nhiều DN cho rằng, từ trạng thái “đóng” cho vay hoàn toàn đối với BĐS như trước đây, các ngân hàng hiện đã cởi mở hơn cũng là một tín hiệu vui. Những cam kết hỗ trợ cho DN BĐS nhằm giải quyết một số khó khăn của thị trường của BIDV cũng đã tạo cho DN BĐS tại TPHCM một niềm tin trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể làm “tan băng” thị trường BĐS, theo các DN, phải có nhiều ngân hàng hơn nữa cùng tham gia.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải có những gói hỗ trợ lãi suất thấp hơn nữa vì với lãi suất được gọi là ưu đãi hiện nay của các ngân hàng, rất ít người kham nổi lãi vay để có thể mua nhà để ở hoặc đầu tư.
MINH HUY - HÀ PHƯƠNG