
Từ đầu năm 2008 đến nay, số vụ khiếu nại, tố cáo (KN, TC) tại TPHCM tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng các vụ KN, TC đông người vẫn diễn biến gay gắt, ngày càng phức tạp. Thực tế cho thấy, các vụ KN, TC đông người chủ yếu liên quan đến các dự án, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; trong đó, nhiều vụ tố cáo chính quyền địa phương thực hiện thiếu công khai, minh bạch trong chính sách áp giá đền bù, không tuân thủ quy chế dân chủ cơ sở và vi phạm Luật KN, TC.
Chuyện từ những dự án
Sáng ngày 9-10-2008, hơn 40 hộ dân thuộc các tổ 5, 6, 7 khu phố 1 phường 16 quận 8 TPHCM đã tập trung tại phòng tiếp dân của cơ quan Thanh tra TP để khiếu nại việc thu hồi đất trong dự án xây dựng khu tái định cư Trương Đình Hội II. Người dân không đồng tình bởi cho rằng có sự thiếu nhất quán trong các quyết định thu hồi đất. Quyết định số 1078 của UBND TP ngày 10-3-2005, cho biết diện tích đất thu hồi phục vụ dự án trên thuộc tờ bản đồ số 2 (vùng có nhiều đất trống). Nhưng khi thực hiện, UBND quận 8 lại cho thu hồi đất thuộc tờ bản đồ số 3 (là khu dân cư), và được UBND TP chấp thuận bằng Quyết định số 1758 ngày 14-4-2006. Khi người dân khiếu nại, chính quyền quận 8 đã né tránh, không đứng ra tổ chức giải quyết, dẫn đến việc KN, TC đông người, vượt cấp.

Các hộ dân tổ 62 phường 3 quận Gò Vấp TPHCM họp bày tỏ sự không đồng tình với quyết định thu hồi đất của UBND quận. Ảnh: QUÝ LÂM
Dự án Đại học Quốc gia TPHCM tại quận Thủ Đức cũng phát sinh KN, TC đông người (73 hộ) do “tiền hậu bất nhất” trong công tác giải phóng mặt bằng. Quyết định lúc đầu là thu hồi 95ha, nhưng khi thực hiện thì lại tăng lên thành 108ha (với mục đích là chỉnh trang lộ giới đường Xuyên Á). Điều này đã làm phát sinh KN, TC đông người từ các hộ dân cư ngụ trong phần diện tích 13ha chênh lệch.
Tương tự, thời gian gần đây, 48/49 hộ dân thuộc tổ 62 đường Nguyễn Thái Sơn phường 3 quận Gò Vấp làm đơn khiếu nại khắp nơi để phản đối quyết định thu hồi đất của UBND quận trong dự án đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN).
Năm 1996, đoạn đường từ sân bay Tân Sơn Nhất đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn được điều chỉnh giảm từ 60m xuống còn 20m để tránh giải tỏa nhiều, gây lãng phí và xáo trộn đời sống người dân (Báo SGGP đã nêu). Trong một công văn trả lời khiếu nại mới đây, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Phượng đã khẳng định: khu đất 49 hộ dân đang ở không còn thuộc dự án TSN-BL-VĐN, kể từ năm 1996! Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trương Văn Non cho rằng, trong các quyết định của UBND TP về việc thu hồi đất phục vụï dự án TSN-BL-VĐN gồm cả phần diện tích đất mà 49 hộ dân đang sinh sống và buộc họ phải giải tỏa trắng.
Tại cuộc họp tổ dân phố 62 diễn ra vào ngày 8-10-2008, có chủ tịch UBND phường 3 quận Gò Vấp tham dự, các hộ dân cho biết họ chưa nhận được văn bản nào từ chính quyền địa phương nói rõ về mục đích thu hồi cũng như các phương án bồi thường, giải tỏa, hỗ trợ tái định cư, ngoài một mẫu kê khai tài sản nhà đất. Hộ ông Huỳnh Cẩm Anh, ngụ tại A48 Nguyễn Thái Sơn nói: “Nếu quy định thực hiện lộ giới đúng 60m như lúc đầu thì chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng ngay, không phản đối. Nhưng ở đây, TP đã điều chỉnh lại thành 20m, mà hiện trạng đường Nguyễn Thái Sơn đã là 25m. Mục đích giải tỏa của quận không rõ ràng, khi thì nói phục vụ dự án TSN-BL-VĐN, khi lại nói nhằm chỉnh trang công viên cây xanh”.
Giải pháp cấp bách
Chính quyền TPHCM đã nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC, nhằm phòng ngừa và giải quyết dứt điểm KN, TC đông người. Trong đó, vấn đề then chốt là sự minh bạch, công khai, thực hiện đúng Luật KN, TC.
Khi thực hiện một dự án, chủ tịch UBND quận, huyện -nơi có đất bị thu hồi, phải chỉ đạo cơ quan trực thuộc chuẩn bị tốt tài liệu tuyên truyền, gồm các quyết định thu hồi đất, bản đồ hiện trạng vị trí bị thu hồi; thành lập Hội đồng bồi thường; lập danh sách các tổ chức, cá nhân có liên quan đến dự án; nói rõ chính sách bồi thường, hỗ trợ của dự án; áp giá đất, tài sản để tính bồi thường; phương án bố trí tái định cư. Mục đích thu hồi đất cũng như các chính sách liên quan phải được phổ biến công khai đến từng tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dự án. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư của quận, huyện thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tiếp thu ý kiến và giải đáp mọi thắc mắc liên quan của công dân.
Nếu phát sinh các vụ việc KN, TC đông người, chủ tịch UBND quận, huyện, thủ trưởng cơ quan nơi có dự án bị khiếu nại phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ cho Tổ công tác xử lý KN, TC của TP phối hợp xử lý, đồng thời phải có mặt để giải quyết những vấn đề liên quan. Lãnh đạo cơ quan tiếp dân và chủ tịch UBND quận, huyện, nơi phát sinh KN, TC cùng chủ trì tiếp xúc; nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội quy và kết luận rõ những việc cần giải quyết ngay sau khi nghe đại diện người KN, TC trình bày. Nếu nội dung KN, TC là có cơ sở, cơ quan chức năng liên quan phải tự khắc phục, sửa chữa sai sót; báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định trước đó, đồng thời kết luận trách nhiệm và hình thức xử lý đối với cán bộ, công chức sai phạm.
Trong tình hình hiện nay, các cấp chính quyền, các sở ngành phải thực hiện nghiêm quy trình phối hợp, phòng ngừa và xử lý KN, TC đông người; tập trung giải quyết nhanh các nội dung KN, TC đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời nghiêm trị những kẻ lợi dụng quyền KN, TC để xuyên tạc, gây rối.
Quý Lâm