
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo (KNTC) quy định: “Người khiếu nại (KN) có quyền nhờ luật sư (LS) giúp đỡ về pháp luật trong quá trình KN” (điều 17); “…Trong trường hợp người KN nhờ LS giúp đỡ về pháp luật thì LS có quyền tham gia trong quá trình giải quyết KN” (Điều 37).
Những quy định mới của Luật KNTC không những mở rộng quyền khiếu kiện của người dân mà còn phát huy tính dân chủ, minh bạch, công khai trong quá trình giải quyết KNTC. Tuy nhiên, hiện có rất ít người dân tìm đến các văn phòng LS để nhờ hỗ trợ về pháp luật trong các vụ việc KNTC.
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại

Người lao động đến tư vấn tại Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM. Ảnh: TH.HỢP
Ngày 10-3-2009, UBND Q3 TPHCM ra Quyết định 69/QĐ-UBND về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Toàn Diện (địa chỉ 227 Nam Kỳ Khởi Nghĩa Q3).
Với các lỗi vi phạm: nhập khẩu hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định trên bao bì sản phẩm; niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ, không được phép theo quy định; ghi sổ kế toán không kịp thời…, Công ty TNHH TM và DV Toàn Diện đã phải chịu mức phạt 52 triệu đồng.
Bức xúc với quyết định trên, bà P.T.T.N, Tổng giám đốc công ty đã gửi đơn đến Chương trình Góc luật sư của Báo SGGP để trình bày thì được biết: Quyết định 69/QĐ-UBND của UBND Q3 đã vi phạm thời hạn ra quyết định xử phạt… Sau khi được LS tư vấn, bà P.T.T.N đã KN lên UBND Q3 nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.
Trao đổi về vụ việc trên, LS Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, cho biết: Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung năm 2008 quy định “Thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính…”. như vậy, Quyết định 69/QĐ-UBND của UBND Q3 đã hết thời hạn (sau 20 ngày mới ban hành).
Hơn nữa, lỗi vi phạm của Công ty Toàn Diện thuộc nhóm hành vi đơn giản; người vi phạm - đại diện công ty lại là phụ nữ đang mang thai – đây là tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính… việc UBND Q3 không xem xét, áp dụng, đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Như vậy, phía Công ty Toàn Diện hoàn toàn có thể KN quyết định trên đến UBND Q3 hoặc khởi kiện vụ án ra tòa hành chính để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng.
Qua sự việc trên, có thể thấy, LS không chỉ bảo vệ lợi ích hợp pháp của người KN mà còn có khả năng giám sát quá trình thực thi pháp luật của cơ quan hành chính Nhà nước.
Giảm tải cho cơ quan hành chính Nhà nước
Thực tế trong quá trình giải quyết KNTC, khi có bức xúc, người dân thường tìm đến cơ quan Nhà nước để… thưa kiện. Điều đó dẫn đến lượng đơn thư KNTC tại các cơ quan hành chính Nhà nước ngày một tăng, áp lực công việc của các ngành chức năng ngày càng nặng nề, cộng thêm sự bất cập về năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ tiếp dân đã hạn chế quá trình tư vấn, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho người dân.
Vì vậy, nhờ LS giúp đỡ về pháp luật trong quá trình giải quyết KNTC là điều nên làm. Được tư vấn, giải thích, hướng dẫn kịp thời sẽ hạn chế được những vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài. Qua đó, cơ quan Nhà nước cũng làm việc công tâm, thận trọng, chặt chẽ, khách quan hơn nếu có LS tham gia trong quá trình giải quyết KNTC.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm: “Hiện nay, tuy Luật KNTC đã có nhiều điểm mới, nhưng rất ít người dân tìm đến các văn phòng LS để nhờ hỗ trợ về pháp luật trong các vụ việc KNTC. Nguyên nhân là do hiểu biết về pháp luật của họ còn nhiều hạn chế. Sau khi tìm đến LS, được giải thích cặn kẽ, nhiều người đã hiểu ra vấn đề, tình nguyện rút đơn; một số khác hiểu rõ quy định pháp luật đã KN đúng nơi, đúng chỗ, đúng quy trình, thủ tục…
Bên cạnh đó, trong quá trình gặp gỡ, đối thoại với LS, cơ quan Nhà nước sẽ phát hiện những thiếu sót của mình để thực thi đúng pháp luật. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, đội ngũ LS cần trang bị thêm kỹ năng giao tiếp, trau dồi, nâng cao kiến thức pháp luật, nhất là lĩnh vực KNTC để làm tròn nhiệm vụ của mình – bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người KN.
LS có quyền giúp đỡ người KN: viết đơn KN; cùng với người KN liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc KN để thu thập tài liệu, bằng chứng; đưa ra bằng chứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người KN; tham gia cùng người KN gặp gỡ, đối thoại với người giải quyết KN, người bị KN và những người khác liên quan... Khi giúp đỡ người KN về pháp luật, LS không được kích động, cưỡng ép, mua chuộc, dụ dỗ người KN KN sai sự thật hoặc lợi dụng quyền KN để xuyên tạc, vu khống, xâm phạm trật tự công cộng, gây thiệt hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để LS giúp đỡ người KN về pháp luật trong quá trình giải quyết KN. Khi tham gia quá trình giải quyết KN để giúp đỡ người KN về pháp luật, LS phải xuất trình: thẻ LS; giấy yêu cầu giúp đỡ pháp luật của người KN; giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề LS đối với trường hợp LS hành nghề trong tổ chức hành nghề LS hoặc giấy giới thiệu của Đoàn LS nơi LS đó là thành viên đối với trường hợp LS hành nghề với tư cách cá nhân. (Theo Nghị định 136/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-11- 2006 về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KNTC và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KNTC). |
Hoàng Hoa