(SGGP).- Tại buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng với quận Bình Tân chiều 23-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng yêu cầu quận Bình Tân phải giải quyết ngay các khiếu nại, bức xúc của dân chậm trễ thủ tục hành chính; tình trạng ngập lụt nặng tại các tuyến đường Hương lộ 3, Nguyễn Cửu Phú; chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở để tránh lãng phí quỹ đất khi điều kiện phát triển nông nghiệp không còn; kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A; tăng tỷ lệ khám phá án…
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ tội phạm xâm hại sở hữu (trộm, cướp, cướp giật tài sản) còn cao (chiếm 82,08% cơ cấu tội phạm), tỷ lệ khám phá án thấp; tỷ lệ giải quyết hồ sơ nhà đất chậm trễ; biên chế cho ngành giáo dục và y tế còn thiếu; tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A qua địa bàn quận tăng cao do điều chỉnh tốc độ một số đoạn từ 60 - 80km/giờ trong thời gian gần đây. Diện tích đất nông nghiệp nhiều nhưng việc sử dụng đất trong trồng trọt không hiệu quả do tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất bị bồi lắng, nguồn nước từ kênh rạch bị ô nhiễm nặng...
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Văn Thinh kiến nghị TP cho phép quận khai thác tạm đất nông nghiệp (quy hoạch là công viên, đường dự phóng, công trình công cộng). Theo đó sẽ san lấp, cải tạo, chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hoặc làm bãi xe, công trình thể dục thể thao… Khi nhà nước thực hiện quy hoạch, chủ sử dụng đất tự tháo dỡ, nhà nước không bồi thường vật kiến trúc. Đối với các khu đất nông nghiệp được quy hoạch là đất ở đô thị, hiện nay việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa gặp nhiều khó khăn do một số nội dung quy định tại Quyết định 33 của UBND TP chưa cụ thể. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất ở của người dân, quận Bình Tân kiến nghị thành phố cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể, rõ ràng để tránh tình trạng tách thửa sai, hoặc cán bộ cố tình hiểu sai, nhũng nhiễu, gây mất lòng tin trong dân.
Với tổng số dân là 716.000 người, Bình Tân là quận có số dân đông nhất thành phố hiện nay. Đặc biệt, ở phường Bình Hưng Hòa A dân số lên đến 114.000 người (xấp xỉ dân số quận 4) nhưng biên chế một số bộ phận lại thiếu. Nhiều ý kiến kiến nghị thành phố tách phường để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển hơn. Tuy nhiên, đại diện Sở Nội vụ TP cho rằng số dân của một phường như vậy là không quá tải. Vấn đề nằm ở chỗ năng lực và trách nhiệm của cán bộ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm lưu ý quận Bình Tân cần bám sát 7 chương trình đột phá của thành phố, trong đó cần tập trung xử lý các tồn tại trước mắt như: kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn PCCC, giảm ô nhiễm môi trường… vì các yếu tố này tác động trực tiếp đến chất lượng sống của người dân.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng chỉ đạo, về vấn đề thiếu biên chế, hạ tầng, cơ sở vật chất trong lĩnh vực giáo dục, y tế, quận Bình Tân cần phải rà soát, dự báo và có kế hoạch dài hạn, cụ thể, chứ không thể thiếu đến đâu xây trường đến đó như hiện nay. Như thế sẽ thiếu dài dài. Về việc chuyển đổi Trung tâm y tế dự phòng quận Bình Tân thành Trung tâm y tế để đưa thêm hoạt động khám chữa bệnh tại đây, giải tỏa tình trạng quá tải bệnh nhân, đề nghị phải tuyệt đối đảm bảo được chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh. Quận Bình Tân phải xử lý dứt điểm tồn đọng của dự án đường Kinh Dương Vương, thực hiện việc hỗ trợ hợp lý để người dân không còn khiếu nại, sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời yêu cầu quận Bình Tân cần nghiêm túc rút kinh sau sự cố “đường cao hơn nhà” ở dự án này.
TUẤN VŨ