(SGGP).- Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH, nhận định như trên trong hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và tham vấn về quy định tố tụng lao động trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)”. Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Bộ LĐTB-XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam và TAND tối cao phối hợp tổ chức tại TPHCM vào ngày 10-9.
Ông Phạm Minh Huân cho biết, thời gian qua, chỉ những tranh chấp lao động cá nhân, người lao động mới yêu cầu tòa án giải quyết. Còn với tranh chấp lao động tập thể, con đường ra tòa là… gần như không có, bởi các trình tự giải quyết vụ việc, thủ tục tố tụng lao động phức tạp đã làm nản lòng người lao động. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, dẫn chứng, trong khoảng 5.000 cuộc đình công trên khắp cả nước trong hơn 10 năm qua, không có cuộc đình công nào được đưa ra tòa để xét tính hợp pháp. Cũng bởi con đường đến tòa án khó quá, nên người lao động chọn cách dễ nhất là… đình công tự phát. Áp lực xử lý đình công không đúng trình tự, thủ tục lúc này lại dồn lên chính quyền địa phương, các ban ngành.
Trước thực trạng trên, ông Mai Đức Chính đề nghị, cần xây dựng 1 chương riêng về tố tụng lao động, với các quy định rõ ràng để người lao động thuận tiện tuân thủ.
Về nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ trong vụ án về lao động, các đại biểu tán thành việc chuyển nghĩa vụ chứng minh của người lao động sang phía người sử dụng lao động. Cụ thể, trong một số trường hợp, nếu đương sự là người lao động không cung cấp, giao nộp được tài liệu, chứng cứ vì lý do các tài liệu, chứng cứ này đang do người sử dụng lao động quản lý, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án.
Tiến sĩ Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, trong tố tụng dân sự, khi người dân yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người đó phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho tòa án các tài liệu, chứng cứ. Nếu áp dụng nguyên tắc chung này thì khi tham gia tố tụng trong vụ án lao động, người lao động sẽ bị hạn chế, bị thiệt thòi vì nhiều khi chứng cứ lại nằm trong tay người sử dụng lao động (hợp đồng, bảng phân công, đánh giá, hạch toán chi phí…). Vì vậy, việc chuyển nghĩa vụ chứng minh của người lao động sang phía người sử dụng lao động sẽ nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động.
MẠNH HÒA