Giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng về VHNT - Góc nhìn gần gũi về chiến tranh cách mạng

(SGGP).- Sáng 27-1, tại Nhà hát Quân đội, TPHCM đã diễn ra lễ trao giải “Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm VHNT, báo chí về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” giai đoạn 2009 - 2014 do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị tổ chức.

(SGGP).- Sáng 27-1, tại Nhà hát Quân đội, TPHCM đã diễn ra lễ trao giải “Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm VHNT, báo chí về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” giai đoạn 2009 - 2014 do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị tổ chức.

Đã có khoảng 200 tác phẩm văn học, gần 500 tác phẩm mỹ thuật, gần 1.000 tác phẩm nhiếp ảnh, 400 tác phẩm âm nhạc, 50 tác phẩm múa, 44 tác phẩm điện ảnh, 30 tác phẩm sân khấu… gửi về tham dự cuộc vận động lần này. Tổng cục Chính trị đã tổ chức hội đồng giám khảo tập hợp các văn nghệ sĩ, nhà báo có uy tín trong và ngoài quân đội tham gia. Trải qua hơn 1 năm chấm giải, các hội đồng đã chọn ra 185 tác phẩm đoạt các giải thưởng. Lễ trao giải sẽ được tổ chức ở TPHCM và Hà Nội nhằm tạo thuận lợi cho các tác giả khu vực phía Bắc và phía Nam.

Trong lễ trao giải dành cho các tác giả khu vực phía Nam, đã có 4 giải A được trao gồm hai thuộc thể loại văn học là tiểu thuyết Phượng hoàng của nhà văn Văn Lê viết về giai đoạn khó khăn khốc liệt sau chiến dịch Mậu Thân và tập thơ Sương đẫm lá khộp khô của nhà thơ Ngân Vịnh về người lính trên chiến trường Tây Nam. Một tác phẩm âm nhạc là tổ khúc hợp xướng Người lính của nhạc sĩ Xuân Phương (thơ Lê Cảnh Nhạc) và tác phẩm sân khấu Rừng xưa do Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng. Ngoài ra, còn có 6 giải B, 11 giải C và 27 giải khuyến khích được trao.

Đánh giá về các tác phẩm đoạt giải, hội đồng chấm giải nhận xét: “Viết về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, về quân đội, về chiến tranh cách mạng, do có độ lùi của thời gian, các cuộc chiến tranh đã lùi xa, người cầm bút có điều kiện suy ngẫm sâu sắc hơn, nhiều vấn đề về cuộc chiến đã được sáng tỏ, tư duy về mối quan hệ giữa thân phận con người với chiến tranh được cởi mở hơn, đúng đắn và gần gũi hơn…”.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục