Vào tháng 11 tới, lễ trao giải Oscar danh dự tặng Nữ hoàng Truyền hình Oprah Winfrey sẽ được tổ chức tại sảnh chính của khu Trung tâm mua sắm và giải trí Hollywood and Highland Center. Hội đồng Quản trị của Viện Hàn lâm Khoa học và Điện ảnh (AMPAS) tôn vinh Oprah vì những cống hiến không mệt mỏi của bà dành cho các hoạt động từ thiện vì cộng đồng.
Vinh dự của người được trao giải
Đến nay, vẫn chưa có thống kê chính thức bao nhiêu giải thưởng “Thành tựu trọn đời” hay giải thưởng “Danh dự” được vinh danh ở tất cả lĩnh vực trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ít nhất 90 giải thưởng uy tín và danh giá nhất đã được trang từ điển bách khoa trực tuyến Wikipedia thống kê với đa dạng lĩnh vực. Trên thực tế, số giải thưởng còn cao hơn rất nhiều vì các hội, tổ chức của từng khu vực, quốc gia cũng có những giải thưởng tương tự.
Mỹ là đất nước rất chuộng việc xếp hạng và vinh danh những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật cho cộng đồng. Ở lĩnh vực điện ảnh, giải thưởng Oscar Danh dự Academy Honorary Award ra mắt năm 1948, vào đúng mùa giải Oscar lần thứ 21 của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ. Tính đến lễ trao giải Oscar lần thứ 83 vừa được tổ chức vào tháng 2 vừa qua, vua hài người Anh Charlie Chaplin và hãng phim hoạt hình Walt Disney đang nắm kỷ lục 4 lần nhận được giải thưởng này.
Giải Oscar Danh dự ra đời năm 1948 nhưng đến năm 2009, lễ trao giải này mới được tách riêng, diễn ra vào tháng 11 của năm công bố thay vì diễn ra vào khoảng tháng 2 của năm sau đó, cùng lúc với lễ trao giải Oscar thường niên.
Để chọn ra người thật sự xứng đáng, Hội đồng Quản trị của AMPAS gồm 43 thành viên đã độc lập đưa ra danh sách những cá nhân họ cho là xứng đáng để nhận giải Oscar Danh dự theo hai tiêu chí riêng biệt: giải Oscar Danh dự Jean Hersholt Humanitarian Award vì những đóng góp cho cộng đồng và Oscar Danh dự Irving G. Thalberg Memorial Award nhờ những sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật thứ bảy.
Danh sách tổng hợp những cá nhân được đề cử (ít nhất phải có 10 người) sẽ được dán lên ở sảnh họp chính. Sau đó, mỗi thành viên của Hội đồng Quản trị chọn ra duy nhất một người theo họ là xứng đáng nhất. Người được bình chọn nhiều nhất sẽ phải qua vòng quyết định cuối cùng. Tại vòng này, mỗi thành viên sẽ trả lời đồng ý hay không đồng ý với kết quả trên. Nếu hơn một nửa đồng ý, cá nhân ấy sẽ là người đầu tiên nhận Oscar Danh dự.
Những năm gần đây, giải Oscar Danh dự được chọn trao cho 4 cá nhân. Vì vậy, 3 cá nhân tiếp theo cũng sẽ được chọn bằng cách thức trên, lấy ý kiến của từng thành viên Hội đồng Quản trị và sau đó phải được sự thông qua của tất cả thành viên.
Năm nay, Viện Hàn lâm đã dựa vào những cống hiến, những nghĩa cử cao đẹp của Oprah để trao giải Oscar Danh dự Jean Hersholt Humanitarian Award cho bà. Oprah đã lập ra nhiều tổ chức từ thiện giúp đỡ mọi người ở khắp nơi trên thế giới, trong số đó phải kể đến Angel Network và trường nữ sinh South African.
Ở lần trao giải năm 2010, giải Oscar Danh dự được trao cho huyền thoại Pháp Jean-Luc Godard, tác giả của những bộ phim như Breathless và The Seven Deadly Sins, diễn viên Eli Wallach (94 tuổi), nhà làm phim lịch sử tài liệu Kevin Brownlow và đạo diễn phim “Bố già” Francis Ford Coppola. Đây cũng là giải thưởng thứ 5 mà Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ trao cho ông.
Trong lĩnh vực âm nhạc, giải thưởng Grammy “Thành tựu trọn đời” được trao từ năm 1962, cho đến nay vẫn là niềm tự hào không gì sánh được đối với những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Năm 2011, giải thành tựu được trao cho 7 cá nhân gồm ca sĩ George Beverly Shea, diễn viên gạo cội Julie Andrews, nhóm nhạc punk rock The Ramones, nhóm The Juilliard, tay trống jazz Roy Haynes, nhóm nhạc dân gian The Kingston Trio và “tượng đài bất tử” của âm nhạc đồng quê Dolly Parton.
Trả lời truyền thông khi được thông báo về giải thưởng bất ngờ này trước khi diễn ra lễ trao giải tại Trung tâm Staples, Los Angeles (Mỹ), Dolly Parton xúc động: “Đây là niềm vinh dự lớn lao của tôi. Ban tổ chức và hội đồng bình chọn đã làm việc rất nghiêm túc và khó khăn để lựa chọn người đại diện nhận được danh hiệu cao quý này. Giải thưởng lớn nhất đối với chúng tôi là đã nhận được sự yêu thương và ủng hộ của vô vàn khán giả hâm mộ thuộc nhiều thế hệ”.
Khuyến khích tinh thần cống hiến
Mở rộng sang lĩnh vực khoa học, giải thưởng Thành tựu phi hạt nhân trong tương lai (NFFA) được trao cho các cá nhân hoạt động xã hội, tổ chức vì nỗ lực bài trừ vũ khí hạt nhân, năng lượng hạt nhân và khai thác mỏ uranium. Giải ra đời từ năm 1998. Hay giải thưởng “Thành tựu trọn đời” trong lĩnh vực khoa học không gian - vũ trụ có tên National Air and Space Museum Trophy, được lập ra từ năm 1985 dành để trao cho những nhà khoa học có những đóng góp nổi bật.
Trong đêm Gala trao giải của Laureus World Sports tại Dubai hồi tháng 2 vừa qua, huyền thoại bóng đá Pháp Zinedine Zidane được tôn vinh trong giải “Thành tựu trọn đời”. Laureus World Sports được ví như giải Oscar của làng thể thao thế giới.
Đầu năm 2009, Liên hội Kỹ sư và Kiến trúc sư tại thủ đô Washington (Mỹ) đã chọn Giáo sư Charles Cường Nguyễn, một học giả của Đại học Catholic University of America nhận giải “Thành tựu trọn đời” vì công trình nghiên cứu đóng góp xuất sắc trong các ngành như vũ trụ, toán học, y khoa... Giải thưởng này được bình chọn mỗi năm, từ những kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xuất sắc.
Một trong các công trình quan trọng của Charles Cường Nguyễn là kiểm soát người máy trong công nghệ chế tạo robot. Với những thành tích nổi bật trong công việc và nghiên cứu, năm 2004, Giáo sư Charles Cường Nguyễn đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush bổ nhiệm vào Ban Giám đốc Quỹ giáo dục Việt Nam.
Thủ tục: Không thể đơn giản hơn!
“Thành tựu trọn đời” là giải thưởng nhằm vinh danh những nhân tố kỳ cựu, có đóng góp lớn lao ở một lĩnh vực bất kỳ, gồm văn hóa, nghệ thuật, văn học, y học, khoa học… trên thế giới. Họ dành trọn tâm huyết cho niềm đam mê của mình đôi khi không nghĩ đến giải thưởng cho đến lúc nhận thông báo mình vinh dự được chọn. Trong quá trình được xét chọn cho đến lúc nhận giải, họ không phải làm bất cứ thủ tục, hồ sơ liệt kê giải thưởng, đóng góp nào cả! Có người còn không biết cho đến khi tên mình được xướng lên.
Trao đổi với PV Báo SGGP, phóng viên ảnh Nick Út của hãng thông tấn AP (Mỹ), người vừa nhận được giải thưởng “Thành tựu trọn đời” của Hiệp hội Nhà báo gốc Á (AAJA) cho biết: “Lễ trao giải diễn ra ngày 13-8 và trước đó một tháng, tôi nhận được tin vui từ ban tổ chức cho biết rằng tôi đã được hội đồng bình chọn từ danh sách đề cử để nhận giải thưởng vinh dự này. Về thủ tục, tôi không cần phải làm bất cứ hồ sơ hay thủ tục chứng nhận nào vì trong thông báo, họ cũng đã nêu ra lý do nhận giải là vì đóng góp cho sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi trong nhiều thập kỷ qua.
Hãng thông tấn AP thanh toán chi phí đi lại cho tôi từ California đến nơi nhận giải ở Michigan. Và trong trường hợp AP không thanh toán thì AAJA sẵn sàng lo tiền vé cho tôi. Khi đến nhận giải, tôi rất hạnh phúc vì họ đón chào tôi nồng nhiệt và ấm áp. Bạn bè hay tin cũng liên tục gọi điện, nhắn tin chúc mừng. Tôi tự hào vì những đóng góp của mình đã được công nhận và trân trọng”.
"Những người được trao giải đều có những bộ phim làm xúc động khán giả trên toàn thế giới và tạo ảnh hưởng tới nền công nghiệp điện ảnh thông qua tác phẩm của mình. Thật hân hạnh khi được tôn vinh những thành tựu và đóng góp xuất chúng của họ" “Gắn sao trên Đai lộ Danh vọng” cũng là một trong những hình thức vinh danh cá nhân được quan tâm. Tuy giá trị giải thưởng nghiêng về tinh thần, mỗi nghệ sĩ được trao một ngôi sao lát đá, có gắn biểu tượng cho ngành nghề của mình (phim ảnh, truyền hình, thu âm, phát thanh, kịch nghệ). Hình thức xét thưởng là: những đề cử phong tặng được gửi đến hàng năm vào ngày 31-5. Ủy ban Đại lộ Danh vọng sẽ nhóm họp vào các tháng sau đó để chọn ra nhóm những người được vinh danh và nghi lễ gắn sao được trình diễn trước công chúng. Nữ ca sĩ nhạc đồng quê Shania Twain vừa nhận được ngôi sao thứ 2.442 vào tháng 6 vừa qua. |
Như Quỳnh