Thiếu điện, giá nhiên liệu tăng cao đã và đang là nỗi ám ảnh thường trực của người dân, doanh nghiệp (DN). Để thoát khỏi nỗi lo này chỉ còn cách sử dụng năng lượng tiết kiệm, tận thu tối đa nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để làm được điều này không phải dễ.
Tăng hiệu quả các dự án tiết kiệm năng lượng
Ông Phương Hoàng Kim, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, chỉ tính từ năm 1999 đến nay, nhu cầu tiêu thụ năng lượng nước ta tăng 12,1%/năm trong khi GDP chỉ tăng 7,3%. Trong đó, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp nhiều nhất, chiếm 53%. Kế đến là dân dụng chiếm 39%. Thương mại và công cộng chỉ chiếm khoảng 8% tổng tiêu thụ điện. Tốc độ tiêu thụ năng lượng được dự báo còn tăng cao hơn trong những năm tới. Điều này cộng với giá nhiên liệu hóa thạch trên thế giới tăng cao đã và đang tạo nên sức ép lớn cho nền kinh tế nước ta vốn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu nhiên liệu.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện ước tính cả nước có khoảng 72.000 DN vừa và nhỏ (VVN), chiếm 95%/tổng số DN. Phần lớn những DN này sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu đầu tư về con người và trang thiết bị hiện đại có khả năng sử dụng năng lượng hiệu quả. Điều này đã đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao. Dự kiến, đến năm 2020, nhu cầu sử dụng điện nước ta tăng 200 - 250.000 GWh/năm và chỉ sau năm 2015, nước ta có thể trở thành nước nhập siêu về năng lượng.
Đứng trước thực tế này, nhiều chương trình tiết kiệm năng lượng cho các DN cũng như ưu tiên cho dự án năng lượng sạch đã được triển khai nhưng xem ra hiệu quả các chương trình còn hạn chế. Điển hình như dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DNVVN do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Ông Nguyễn Bá Vinh, Quản đốc dự án cho biết, dự án trên ngoài việc hỗ trợ các cơ quan chức năng hoàn thiện chính sách, quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì còn hỗ trợ trực tiếp cho các DN cải tiến công nghệ, giảm thiểu năng lượng cần sử dụng. Theo đó, những DN hoạt động trong lĩnh vực như dệt, chế biến thực phẩm, gốm sứ, sản xuất gạch và giấy sẽ được hỗ trợ vốn và giải pháp kỹ thuật để tiết giảm năng lượng tiêu thụ hiện hữu. Trung bình, mỗi DN có thể tiết kiệm được 10% - 40% chi phí năng lượng và có thể thu hồi đủ vốn sau 2 năm đầu tư nếu tham gia vào dự án. Điều đáng tiếc, do các DNVVN chưa mặn mà nên số lượng tham gia không nhiều.
Đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch
Ông Phương Hoàng Kim cho biết thêm, nước ta được đánh giá là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á. Tập trung chủ yếu năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Nếu có chính sách khai thác hiệu quả và hợp lý hai nguồn năng lượng này, chắc chắn trong tương lai sẽ là nguồn an ninh năng lượng tốt nhất, đảm bảo phát triển ổn định sản xuất và sinh hoạt mà lại không gây hại đến môi trường.
Chính phủ đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho các dự án đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như hỗ trợ kiểm toán năng lượng miễn phí, triển khai các dự án thí điểm với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước; ưu đãi thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi về đất, vốn…
Bộ Công thương cũng đang tiến hành làm việc với một số ngân hàng để có thêm nguồn vốn hỗ trợ các DN vay với lãi suất thấp nhất. Nhiều tổ chức nước ngoài cũng đã và đang cam kết hỗ trợ cho Việt Nam nguồn kinh phí để phát triển nguồn năng lượng này. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã xây dựng quỹ hỗ trợ các dự án năng lượng sạch với tổng giá trị 25 triệu USD.
Không chỉ vậy, Bộ Công thương cũng đang xây dựng các chính sách với nhiều ưu đãi, khuyến khích để phát triển năng lượng tái tạo như kết hợp năng lượng tái tạo vào các chương trình quốc gia (điện khí hóa nông thôn, trồng rừng, xóa đói giảm nghèo, nước sạch, vệ sinh nông thôn); khuyến khích các DN sản xuất lắp ráp các loại thiết bị năng lượng mới như đun nước nóng, thủy điện nhỏ, động cơ gió… ở những nơi có điều kiện; hỗ trợ đầu tư các chương trình điều tra nghiên cứu, chế thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng tái tạo…
Vấn đề còn lại là các DN, cộng đồng cùng bắt tay với cơ quan chức năng để khắc phục những rào cản về thiếu công nghệ và nguồn vốn; giảm chi phí đầu tư sản xuất nguồn năng lượng sạch, đủ để cạnh tranh được với chi phí đầu tư các nguồn năng lượng truyền thống; hoàn thiện cơ chế ưu tiên phát triển ngành năng lượng sạch. Có như vậy thì nỗi lo thiếu hụt năng lượng mới sớm được giải quyết trong tương lai gần.
Minh Hải – Hoàng Lan