Giải trình tự gene các trường hợp nghi nhiễm biến thể mới

Ngày 3-12, trước việc Singapore và Malaysia ghi nhận các ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, là những trường hợp trở về từ Nam Phi, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.
Hình ảnh thể hiện các đột biến của biến thể Omicron (phải) và Delta (trái) do các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Bambino Gesu ở Rome (Italy) công bố
Hình ảnh thể hiện các đột biến của biến thể Omicron (phải) và Delta (trái) do các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Bambino Gesu ở Rome (Italy) công bố

Cần hết sức cảnh giác

Yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ và Pasteur cả nước chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến thể mới, đặc biệt là những người có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi. Chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn cụ thể. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến thể của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Trước sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron, nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng phải hết sức cảnh giác và cần sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để ứng phó. Theo GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, đến nay những điều thế giới biết về biến thể Omicron còn khá ít nhưng chúng có nhiều đột biến hơn rất nhiều so với biến thể Delta. Virus luôn luôn đột biến, vì thế tuân thủ 5K là quan trọng nhất và phải tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng, đây là biến thể mới của virus SARS-CoV-2 thì đương nhiên khi xuất hiện nó sẽ lây lan sang các khu vực khác của thế giới nếu như công tác phòng chống dịch không an toàn. WHO đã xếp biến thể Omicron ở mức cần quan tâm đặc biệt nên chúng ta cũng phải luôn nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các địa phương tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai kiểm tra, thanh tra về giá test kit xét nghiệm, giá dịch vụ xét nghiệm, việc kinh doanh và sử dụng các thuốc, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch.

Tối 3-12, Bộ Y tế cho biết, trong ngày Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 13.670 ca mắc Covid-19 tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó có 8.628 ca ở cộng đồng. Cả nước có thêm 1.149 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 1.006.459 người; đồng thời có thêm 200 ca tử vong tại 22 tỉnh, thành.

20 nhóm nguy cơ cao

Ngày 3-12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM,  cho biết, thành phố đang triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ nhằm hướng đến mục tiêu giảm mắc và giảm nguy cơ tử vong do Covid-19. Cụ thể, Sở Y tế giao Ban Chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn rà soát và lập danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên) để xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 cho từng thành viên của các hộ gia đình.

Trường hợp phát hiện F0 không thuộc nhóm nguy cơ, nhận viên y tế khuyến khích người F0 đi cách ly tập trung để giảm nguy cơ lây lan cho các thành viên khác trong hộ gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ; trường hợp phát hiện F0 thuộc nhóm nguy cơ, có bệnh nền ổn định, có đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cấp phát thuốc kháng virus cho người F0 và cách ly tại nhà (nếu người F0 có nguyện vọng). Đối với các thành viên trong hộ gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm vaccine cho những người chưa tiêm; người thuộc nhóm nguy cơ (có bệnh nền hoặc trên 50 tuổi), có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ tiến hành tiêm mũi nhắc lại nếu đã tiêm đủ liều cơ bản trước đó ít nhất 6 tháng. Cùng với đó, Trung tâm y tế chuyển danh sách các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (kèm số điện thoại liên lạc) đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để được tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa. Dự kiến, chiến dịch sẽ được triển khai từ nay đến 31-12.

Theo Sở Y tế, 20 nhóm đối tượng mắc bệnh nền khi mắc Covid-19 sẽ dễ có nguy cơ cao chuyển nặng và tử vong bao gồm: đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); bệnh thận mạn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; béo phì, thừa cân; bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); bệnh lý mạch máu não; hội chứng down; người mắc HIV/AIDS; bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ; bệnh hồng cầu hình liềm; bệnh hen suyễn; tăng huyết áp; thiếu hụt miễn dịch; bệnh gan; rối loạn sử dụng chất gây nghiện; sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các loại bệnh hệ thống; các bệnh nền của trẻ em.

NGUYỄN QUỐC - THÀNH AN

 -------------------

Cảnh giác đợt dịch mới do biến thể Omicron


Hãng Reuters cho biết, Singapore ghi nhận 2 ca đầu tiên mắc Covid-19 do biến thể Omicron, là hành khách xuất phát từ Johannesburg (Nam Phi) nhập cảnh nước này ngày 1-12. Cả 2 trường hợp này đều đã tiêm đầy đủ vaccine và được đưa đi cách ly ngay, không có bất kỳ tương tác nào trong cộng động. Tất cả 19 hành khách đi cùng chuyến bay cũng đã được cách ly sau khi nhập cảnh, có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Malaysia cũng thông báo ghi nhận ca đầu tiên mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại nước này. Bệnh nhân là công dân nước ngoài, từ Nam Phi nhập cảnh Malaysia hôm 19-11. Người này cũng đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 3-12 đã khuyến nghị các nước châu Á - Thái Bình Dương cần củng cố năng lực của hệ thống y tế và tiêm phòng đầy đủ cho người dân để chuẩn bị ứng phó với đợt dịch mới do biến thể Omicron. Đến nay, biến thể này đã xuất hiện ở khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều quốc gia ở các nước châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều nước đã nhanh chóng siết chặt các quy định về đi lại quốc tế để giảm thiểu nguy cơ biến thể xâm nhập.

Trong diễn biến liên quan, các nhà khoa học Nam Phi công bố kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, biến thể Omicron có thể gây nguy cơ tái nhiễm ở người đã khỏi bệnh cao hơn 3 lần so với các biến thể Delta và Beta. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu về 35.670 ca nghi tái nhiễm trong tổng cộng 2,8 triệu người mắc Covid-19 được công bố trước ngày 27-11. Các ca bệnh được xác nhận là tái nhiễm nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus vào thời điểm 90 ngày sau khi được công bố khỏi bệnh.

Trước tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo, biến thể này có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và từ đó làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trước đó, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Laurence Boone cũng đã cảnh báo biến thể Omicron có nguy cơ đe dọa đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 xuống mức 5,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,7% được đưa ra trước đó. Thực tế đã cho thấy sự lây lan của biến thể Delta đầu năm nay đã làm nền kinh tế Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới sụt giảm. Những ngày qua, sự xuất hiện của Omicron đã làm chao đảo thị trường tài chính và buộc nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ siết chặt hoạt động đi lại.

ĐỖ CAO

-------------------

* Ngày 3-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có công điện yêu cầu khẩn trương triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại các cơ sở lưu trú và cách ly tại nhà trên địa bàn đối với các trường hợp F1 đảm bảo điều kiện theo quy định. 

* Ngày 3-12, Trung tâm Y tế huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết sau 10 ngày được cách ly, điều trị tại nhà, chị N.T.H.T. (21 tuổi, trú tại xã Hương Giang) mắc Covid-19 không có triệu chứng vừa có kết quả 2 lần xét nghiệm RT-PCR khẳng định âm tính với virus SARS-CoV-2. Đây là ca F0 không triệu chứng đầu tiên ở Hà Tĩnh khỏi bệnh sau quá trình cách ly, điều trị tại nhà.

* Ngày 3-12, tỉnh Trà Vinh triển khai vận hành tổng đài 1022 nhằm tiếp nhận, xử lý và giải đáp thông tin liên quan đến phòng chống dịch trên địa bàn. Người dân có thể gọi điện thoại trực tiếp đến Tổng đài 1022: Số (0294)1022, để phản ánh, kiến nghị trực tiếp trên Trang thông tin điện tử Tổng đài 1022 (website:1022.travinh.gov.vn); hoặc email Tổng đài 1022 (1022@travinh.gov.vn), zalo 1022 Trà Vinh, facebook 1022 Trà Vinh hoặc gửi phản ánh kiến nghị qua App (ứng dụng): 1022 Trà Vinh trên điện thoại thông minh.

* Chiều 3-12, UBND huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) cho biết vừa phát hiện thêm 3 ổ dịch Covid-19 tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nâng tổng số ca mắc lên hơn 200 ca. UBND huyện đang chủ động xây dựng phương án cung ứng lương thực, thực phẩm kịp thời cho người dân trong khu vực phong tỏa.

* Ngày 3-12, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đã có công văn về thời gian dự kiến cho học sinh trở lại trường. Cụ thể, cấp học THPT và tương đương dự kiến đến trường học trực tiếp từ ngày 4-1-2022; cấp THCS và tương đương từ ngày 10-1-2022; cấp tiểu học và mẫu giáo bắt đầu đến trường từ ngày 14-2-2022. Đối với các cơ sở nhà trẻ sẽ tiếp tục dừng cho đến khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.

* Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Tây Ninh, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang quyết định hỗ trợ 2.000 bộ kit xét nghiệm Biomerica, do Mỹ sản xuất, có độ chính xác cao đến 100% cho Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tăng cường công tác phòng chống dịch, giữ vững an ninh - quốc phòng trên tuyến biên giới.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục