Giảm biên chế HĐND, nhưng không giảm “cào bằng”

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp Quốc hội sáng 25-10. Đa số ý kiến đại biểu tán thành việc cụ thể hóa chủ trương của Trung ương trong việc giảm số lượng cấp phó của HĐND, song còn có ý kiến khác nhau về việc giảm như thế nào, giảm ở cấp nào, cơ quan nào.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: TTXVN

Hai phương án về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh

Trong khi đa số ý kiến thống nhất giảm cấp phó đối với HĐND cấp huyện, thì đối với HĐND cấp tỉnh, đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành (gồm 2 phó chủ tịch HĐND) hoặc đề nghị quy định số lượng cấp phó căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Về việc giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ, nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị nên giữ nguyên như luật hiện hành (gồm 2 phó trưởng ban) hoặc quy định mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Báo cáo với Quốc hội, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp huyện xuống còn 1 người. Về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, dự thảo luật dự kiến 2 phương án tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Phương án 1: giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành. Phương án 2 là quy định lãnh đạo HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 1 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. 

Phát biểu về vấn đề này, nhiều ĐB bày tỏ đồng tình với phương án 1. ĐB Trần Thị Hằng (Quảng Ninh) nêu rõ: “Trong luật không nên đưa ra phương án kiểu nếu - thì. Ta nên đưa thống nhất luôn, xác định rõ là HĐND có chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Và 2 phó chủ tịch này là hoạt động chuyên trách”. Liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương nhằm thực hiện chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần sửa đổi các quy định có liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng sửa đổi, bổ sung Điều 127 để quy định khái quát về cơ quan, chức năng, nhiệm vụ. Tên gọi, mô hình, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và biên chế của bộ máy giúp việc chính quyền địa phương do Chính phủ quy định.

Phân định rõ thẩm quyền của UBND với chủ tịch UBND


ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) lưu ý, Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay phân định thẩm quyền tập thể và cá nhân còn rất chung chung, có tính chất nguyên tắc và theo một nhóm lĩnh vực quản lý nhà nước. “Để khắc phục tình trạng này, cần bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc phân quyền theo hướng tập thể UBND chỉ quyết định những vấn đề lớn, đa ngành, những vấn đề cần giải trình HĐND và Chính phủ. Những vấn đề cụ thể, chuyên ngành thì trao quyền cá nhân đó là chủ tịch UBND, ủy viên UBND quyết định. HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc sử dụng quyền lực của UBND thông qua hoạt động giám sát thường xuyên”, ĐB Võ Thị Như Hoa phát biểu.

Có chung nhận định, ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát và quy định cụ thể hơn về nội dung phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm bảo đảm việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền đầy đủ hơn, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) thẳng thắn nhận định: “Việc phân quyền, phân cấp mà chúng tôi mong đợi chưa thấy. Việc gì trung ương, việc gì địa phương làm, lẽ ra Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải quy định rõ để địa phương nhìn vào đó biết mình làm gì”.

Vẫn theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, tinh gọn bộ máy biên chế HĐND để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thì cả hệ thống chính trị đều phải làm, nhưng không có nghĩa là giảm cào bằng mà phải căn cứ nhiệm vụ từng cơ quan. Nơi nào không tương ứng thì giảm, nơi cần thì thậm chí phải tăng để phù hợp với nhiệm vụ được giao. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, dự thảo luật nên quy định thẩm quyền giải trình của Ban HĐND, ít ra là Ban HĐND cấp tỉnh. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, HĐND TPHCM đã giao cho Trưởng ban HĐND kiêm Ủy viên Thường trực HĐND chủ trì phiên giải trình về nội dung mà Trưởng ban đó phụ trách và “thực hiện như vậy bảo đảm hiệu quả, giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể”. Đáng lưu ý, theo ĐB, cần nghiên cứu sửa Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và HĐND, đảm bảo hiệu lực, thực quyền của HĐND.

Tin cùng chuyên mục