Giảm cao su, tăng diện tích cây trồng giá trị nhờ ứng dụng công nghệ cao

Công ty Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I trồng chuối cấy mô trên 117 ha, tại Nông trường Thanh An (Bình Dương). Sau khi thu hoạch, sơ chế và đóng gói, thông qua một tập đoàn hàng đầu của Mỹ, chuối thành phẩm sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…

Làm việc với đoàn báo chí mới đây, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng (Bình Dương) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG cho biết, từ năm 2016, Cao su Dầu Tiếng liên doanh với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I trồng chuối cấy mô trên diện tích 117 ha, tại Nông trường Thanh An (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Sau khi thu hoạch, sơ chế và đóng gói, thông qua một tập đoàn hàng đầu của Mỹ, chuối thành phẩm sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Dự kiến diện tích chuối sẽ mở rộng trên 1.300 ha. 

Giảm cao su, tăng diện tích cây trồng giá trị nhờ ứng dụng công nghệ cao ảnh 1 Rửa và phân loại chuối trước khi xuất khẩu tại Nông trường Thanh An. Ảnh: C.P

Năm 2020 doanh thu từ chuối khoảng 63,4 tỷ đồng, lợi nhuận từ chuối từ 50 đến 60 triệu đồng/ha/năm, cao hơn hàng chục lần so với 1 ha cao su.

Khi triển khai dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), cụ thể là trồng chuối trên đất cao su, mục tiêu lợi nhuận đạt 50-60 triệu đồng/ha/năm, nhưng hiện nay công ty kỳ vọng sẽ còn tăng thêm. 

Trong bối cảnh giá mủ cao su sụt giảm, lợi nhuận thu được từ 1 ha cao su/năm rất thấp nên việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị sử dụng trên đất cao su là hướng đi đã được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khuyến khích, trong đó, Cao su Dầu Tiếng là công ty tiên phong triển khai.

Ông Nguyễn Quốc Việt cho biết thêm, Cao su Dầu Tiếng quản lý khoảng 29.000 ha cao su nhưng theo kế hoạch, đến năm 2030, diện tích giảm dần, còn khoảng 15.000 ha để dành đất cho phát triển NNCNC và nhất là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu dân cư theo xu hướng công nghiệp hóa ngày càng lan rộng.  

Giảm cao su, tăng diện tích cây trồng giá trị nhờ ứng dụng công nghệ cao ảnh 2 Dán nhãn trước khi đóng gói chuối tại Nông trường Thanh An. Ảnh: C.P

Ông Lê Thanh Hưng, Phó Tổng Giám đốc VRG cho biết, từ mô hình thí điểm của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trong việc triển khai ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao là tiền đề để VRG triển khai, phát triển thêm những dự án sản xuất NNCNC các công ty thành viên. 

Đến cuối năm 2020, VRG thỏa thuận thực hiện 2 khu nông nghiệp công nghệ cao tại Công ty Cao su Phước Hòa và Đồng Phú; thỏa thuận 14 dự án NNCNC tương ứng 4.428 ha, chủ yếu theo hình thức liên doanh liên kết. Các loại cây trồng được lựa chọn gồm: chuối, sachi, bưởi da xanh, cây có múi khác..., trong đó, chuối là cây chủ lực, kế đến là mít.

Hiện nay, các công ty thành viên của VRG thực hiện 6 dự án, tương ứng 506 ha. Lộ trình dự án mở rộng theo khả năng phát triển thị trường và quan hệ đối tác.     

Tin cùng chuyên mục