Hiệu quả bước đầu từ việc 1 người giữ 2 vai
“Giữa năm 2017, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Củ Chi được giải quyết cho thôi việc theo nguyện vọng nên huyện khuyết chức danh này. Khi đó, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW (khóa XII), Ban Thường vụ Huyện ủy đề xuất chủ trương bố trí chức danh Trưởng ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện. Sau khi được chấp thuận, Ủy ban MTTQ huyện đã hiệp thương, cử Trưởng ban Dân vận Huyện ủy giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện”, đồng chí Lê Thanh Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Củ Chi, kể.
Như vậy, từ tháng 3-2018 đến nay, tại huyện Củ Chi, một cá nhân đã giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đồng thời hoạt động của 2 đơn vị và đạt kết quả khích lệ. Cụ thể, với vai trò Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, đồng chí này thực hiện tốt việc lãnh đạo tổ chức thực hiện 10 nội dung theo thang điểm thi đua của Ban Dân vận Thành ủy.
Kết quả, năm 2018 Ban Dân vận Huyện ủy huyện Củ Chi được xếp loại là đơn vị xuất sắc tiêu biểu trong khối 5 huyện ngoại thành. Cùng đó, “vai” Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cũng phát huy được vai trò lãnh đạo thực hiện việc tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo; giám sát và phản biện xã hội; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; thực hiện và mở rộng đối ngoại nhân dân… Kết quả, năm 2018, Ủy ban MTTQ huyện Củ Chi là đơn vị xuất sắc trong khối 5 huyện ngoại thành.
Kiến nghị bổ sung phụ cấp
Theo Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, hiện nay một số nơi đã chủ động xây dựng đề án, trình xin ý kiến về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua kết quả thí điểm ở huyện Củ Chi, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chấp thuận cho huyện Nhà Bè và quận Phú Nhuận thí điểm hợp nhất chức danh Trưởng ban Dân vận và Chủ tịch Ủy ban MTTQ.
Theo đồng chí Trịnh Xuân Thiều, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận, mới đây Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận chuyển công tác, là điều kiện thuận lợi cho việc nhất thể hóa chức danh theo hướng như trên.
Trong khi đó, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Nhà Bè cũng có kế hoạch để trong tháng 5-2019 sẽ thực hiện nhất thể hóa 2 chức danh. Đồng chí Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè, cho biết thêm trước đó, Huyện ủy đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo và Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Qua khoảng nửa năm thí điểm cho thấy, hoạt động của 2 đơn vị này không chỉ vẫn đảm bảo mà còn có nhiều thuận lợi hơn.
Hiện nay, một số nơi khác như quận 6, quận Thủ Đức… cũng nhất thể hóa 2 chức danh Trưởng ban Tuyên giáo và Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị. Đồng chí Lê Văn Tân, Bí thư Quận ủy quận 6, phân tích Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận có một số chức năng, nhiệm vụ giống nhau. Trong khi đó, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy nắm sát các chủ trương, chính sách của Thành ủy, Quận ủy nên việc triển khai công việc tạo thuận lợi cho cả 2 đơn vị. “Ở quận 6, 2 cơ quan này có cùng một trụ sở nên việc trình ký các văn bản, giấy tờ hoặc giải quyết công việc cũng gặp nhiều thuận lợi”, đồng chí Lê Văn Tân cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế việc một người giữ 2 chức danh như đã nêu sẽ có những khó khăn nhất định, đồng thời chất lượng công việc ít nhiều cũng có ảnh hưởng. Chẳng hạn, cùng một thời gian, người đảm nhận 2 việc được mời đích danh ở cả 2 vai tham dự 2 cuộc họp ở 2 nơi thì không thể “phân thân” cùng dự…
Trước các vướng mắc này, đồng chí Lê Thanh Phong cho rằng khi bố trí nhân sự đòi hỏi phải chọn người thật sự có tâm huyết và trách nhiệm. Đặc biệt, những người được bố trí đồng thời phải đảm nhận 2 đầu việc nên khối lượng công việc sẽ gia tăng. Do đó, kiến nghị tính toán lại chế độ phụ cấp khi thực hiện việc thí điểm. Đồng thời, Ban Tổ chức Thành ủy cũng cần có hướng dẫn cụ thể về bộ máy giúp việc. Bởi hiện nay, dù đã thí điểm hợp nhất 2 chức danh nhưng 2 cơ quan vẫn nằm độc lập và tách biệt nhau.
Sắp xếp, kiện toàn tổ chức khối chính quyền Theo Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, ở khối chính quyền của thành phố cũng đang thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW. Cụ thể, UBND TP đã có đề án sắp xếp lại các ban quản lý (BQL) các dự án của thành phố, quận huyện, BQL đầu tư các khu đô thị, BQL đầu tư dự án ODA. Dự kiến, toàn TPHCM sẽ giảm 11 đầu mối (gồm 2 ban thuộc UBND TP, 9 ban thuộc sở ngành), giảm ít nhất 110 biên chế hành chính và có khả năng giảm 245 người làm việc so với biên chế được giao năm 2017. |