Giảm nghèo - điểm hội tụ ý Đảng, lòng Dân

Thấm nhuần tư tưởng của Bác về diệt giặc đói, về không ngừng nâng cao đời sống nhân dân và chăm lo đời sống cho người dân nghèo, Thành ủy - UBND TPHCM đã chủ động mạnh dạn khởi xướng, triển khai chương trình Xóa đói giảm nghèo ngay từ đầu năm 1992. Đây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, hợp lòng dân nên nhanh chóng đi vào thực tiễn, trở thành cuộc vận động rộng lớn, một phong trào thi đua sôi nổi lan tỏa ra cả nước.
Giảm nghèo - điểm hội tụ ý Đảng, lòng Dân

40 Năm Sài Gòn - Gia Định mang tên Thành phố Hồ Chí Minh

Thấm nhuần tư tưởng của Bác về diệt giặc đói, về không ngừng nâng cao đời sống nhân dân và chăm lo đời sống cho người dân nghèo, Thành ủy - UBND TPHCM đã chủ động mạnh dạn khởi xướng, triển khai chương trình Xóa đói giảm nghèo ngay từ đầu năm 1992. Đây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, hợp lòng dân nên nhanh chóng đi vào thực tiễn, trở thành cuộc vận động rộng lớn, một phong trào thi đua sôi nổi lan tỏa ra cả nước.

Bà Võ Thị Thanh Nga (bìa phải, ngụ quận Phú Nhuận) hướng dẫn chị em nghèo làm hoa vải tại cơ sở của mình

“Đi từ lòng dân”

Sinh thời, một trong những mong ước tột bậc của Bác là “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay từ khi lập nước, Người cho rằng đói nghèo là thứ giặc đầu tiên trong 3 thứ giặc (giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm) cần phải diệt. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người cũng căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP mang tên Bác Hồ kính yêu đã sáng tạo thực hiện một chương trình với sự tham gia của toàn xã hội, theo phương châm tiếp sức cho các đối tượng cần tiếp sức để họ có vốn, có đất, có phương tiện sản xuất, có nghề nghiệp vực dậy cuộc sống cơ cực bằng chính sức lao động của mình. Đó là chương trình “Xóa đói giảm nghèo”, ra đời lần đầu tiên trong cả nước tại TPHCM vào năm 1992, trước thực tế gần 20% tổng số hộ dân TPHCM thuộc diện nghèo đói.

Trong suốt những năm qua, nhiều người dân TP đã tự giác nhường cơm sẻ áo, cùng giúp nhau vượt qua khó khăn. Người nghèo TP được giúp đỡ từ lời động viên đến giúp bằng tiền với lãi suất ưu đãi, bằng giống vật nuôi cây trồng, được cho mượn đất để trồng trọt, chăn nuôi, hay giúp xóa nhà dột nát… Một trong những trường hợp như vậy là gia đình chị Nguyễn Thị Thu Dung (phường 2, quận Bình Thạnh). Năm 2002, gia đình chị lâm vào cảnh khó khăn, người cha qua đời còn ba chị em chị Dung đang tuổi ăn tuổi lớn. Giữa lúc mẹ góa con côi không biết bám víu vào đâu, phường 2 đã đưa gia đình vào diện nghèo, được hướng dẫn cách làm ăn với lời nhắn nhủ “cần tìm một công việc gì đó để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Về phần vốn liếng đã có chương trình giảm nghèo hỗ trợ cho mượn”.

Từ một người nhút nhát chưa từng buôn bán, mẹ chị Dung đứng ra vay 3 triệu đồng, cùng 3 con làm giỏ xách, túi đan móc, hàng lưu niệm thủ công. Chỉ trong thời gian ngắn, lượng hàng gia đình chị làm đã không đủ để bỏ mối cho các cửa hàng, phải thuê thêm người làm. Mẹ chị Dung đi hướng dẫn cho các dì, các chị trong xóm cùng làm, kiếm thêm thu nhập. Song tai ương một lần nữa ập đến. Năm 2006, mẹ chị Dung bị tai biến mạch máu não, nằm liệt một chỗ. Trong lúc gia đình túng quẫn, chương trình giảm nghèo lại tiếp sức. Em chị Dung được tư vấn và vay ưu đãi 50 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Chị Dung vừa chăm sóc mẹ, vừa học trung cấp y từ số tiền 10 triệu đồng của chương trình hỗ trợ. Giờ đây, chị đã học xong y sĩ, đang làm việc tại trạm y tế. Em chị sau khi đi Nhật đã về học điều dưỡng, còn người em út cũng tốt nghiệp đại học y khoa, đi làm. Cả 3 chị em chị Dung theo ngành y, vững bước trên đường đời nhờ những lần chương trình giảm nghèo hỗ trợ thiết thực như thế.

Những trường hợp như gia đình chị Dung càng cho thấy đây không phải là phong trào từ thiện, bao cấp đơn thuần mà là chương trình tạo động lực giảm nghèo bằng cách tác động từ các chính sách. Từ sự tác động, hỗ trợ bài bản, thiết thực đó, người nghèo tự tổ chức cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Sự tích cực, chủ động vươn lên của người nghèo cũng là yếu tố quyết định thành công của chương trình. Nhiều hộ sau khi vượt nghèo đã tự nguyện giúp lại những người nghèo khó hơn mình. Ông Nguyễn Anh Kiệt (ngụ đường Bà Hạt, phường 8, quận 10) là thương binh 4/4 và còn trách nhiệm với gia đình mẹ già, em còn đi học. Được địa phương hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, ông Kiệt còn được vay vốn làm ăn và được một công ty cho mượn máy dệt áo len để mở cơ sở gia công dệt len tại nhà. Cuộc sống gia đình ổn định, ông Kiệt nhận giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động nghèo ở địa phương. Cũng từng được trợ giúp vay vốn làm ăn, bà Mai Thị Thìn (ngụ phường 4, quận 4), đã trở thành giám đốc một công ty sản xuất áo mưa. Có cơ sở sản xuất, bà thu nhận hàng chục lao động nghèo vào làm việc và tích cực mang lại niềm vui nho nhỏ tặng người còn khó khăn ở quận bằng sự ủng hộ vật chất và tinh thần.

Đảng viên đi trước

24 năm từ hành trình “Xóa đói giảm nghèo” đến “Giảm nghèo, tăng hộ khá” và từ năm 2016 là “Giảm nghèo bền vững”, chương trình giảm nghèo có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài. Trải qua các nhiệm kỳ, có thể khẳng định chương trình giảm nghèo của TP luôn được Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đặc biệt quan tâm, luôn xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quan điểm kiên định, nhất quán và xuyên suốt vì mục tiêu chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là dân nghèo. Theo Ban chỉ đạo chương trình “Giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM”, điểm đặc biệt trong chương trình là các tổ chức Đảng và tất cả đảng viên không chỉ đề ra chủ trương, tổ chức chỉ đạo mà còn phải trực tiếp thực hiện, giữ vai trò tiên phong, gương mẫu theo khẩu hiệu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Tại phường 1, quận 10, mô hình 1+2+n là một mô hình mới của giai đoạn 2014-2015 (1 tổ chức đoàn thể cấp phường phối hợp với 2 chi bộ cơ sở để hỗ trợ một số hộ nghèo cụ thể). Ví dụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường phối hợp với chi bộ khu phố 1 và chi bộ công an cùng đưa 18 hộ có mức thu nhập 14 triệu đồng/người/năm lên mức vượt chuẩn nghèo 16 triệu đồng/người/năm…

Với mô hình này, đến tháng 1-2015, phường đã không còn hộ nghèo giai đoạn 2014-2015. Tại quận 8, cán bộ, đảng viên ở 51 cơ sở Đảng của quận 8 đã liên tục nhiều năm thực hiện công trình “Chăm lo các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của quận”. Vào đầu mỗi năm, quận lên danh sách hộ nghèo đặc biệt rồi vận động cán bộ, đảng viên cùng chăm lo, hàng tháng thay nhau đến thăm, động viên gia đình hộ nghèo. Không chỉ quận 8, quận 10, tại các quận, huyện khác, qua thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, nhiều tổ chức Đảng ở khu phố, ấp, phường, xã, thị trấn đã gần gũi dân, chủ động giúp dân tốt hơn, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Năm 2015, tổng kết về công tác giảm nghèo, Bí thư Thành ủy TPHCM khi đó là đồng chí Lê Thanh Hải đã đánh giá: “Mô hình chi bộ, đảng viên trợ giúp hộ nghèo đã tạo nên sức sống cho hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, thể hiện rõ nét vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Tham gia công tác giảm nghèo chính là môi trường tốt để đảng viên phấn đấu, rèn luyện, thiết thực tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng bộ với nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng”. 

Phong trào rộng khắp, lan tỏa

 

 Đồng chí Võ Trần Chí, cố Bí thư Thành ủy TPHCM, từng có nhận xét: “Đây là chương trình của nhân dân và đi từ lòng dân, nên yếu tố tự nguyện, tự giác được nêu lên hàng đầu và để xóa được đói, giảm được nghèo, cả xã hội có trách nhiệm chăm lo, gánh vác, bất cứ người đó làm gì, ở đâu, với cương vị xã hội như thế nào. Việc hàng xóm láng giềng giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt những hộ đói được trợ giúp, làm ăn ổn định nay lại giúp những hộ còn đói nghèo hơn mình là những tấm gương diễn ra rất xúc động và khá phổ biến ở TP”.

 

Những năm qua, trong số hơn 7.136 tỷ đồng được huy động thực hiện chương trình, có 3.414 tỷ đồng là đóng góp của nhân dân, cộng đồng xã hội. Chương trình đã phát huy được sức mạnh nội lực của cộng đồng và toàn xã hội, tạo thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, chung tay chăm lo cho người nghèo. Được biết, suốt những năm qua, hơn 60% hộ nghèo và gần 48% hộ cận nghèo được vay vốn làm ăn. Bình quân mỗi năm có 1.400 lao động nghèo được đào tạo nghề và 13.000 người được nhận làm việc ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Gần 1 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo được vay tiền mức bình quân gần 670.000 đồng/lượt. Trên 750.000m2 đất được cho người nghèo mượn, trong đó, TP giao khoán giữ 14.190ha rừng ngập mặn cho 167 hộ nghèo ở huyện Cần Giờ, góp phần giúp một số hộ nghèo ở nông thôn có điều kiện sản xuất làm ăn ổn định cuộc sống và giảm nghèo. TP cũng hỗ trợ xây dựng trên 24.000 căn nhà tình thương giúp hộ nghèo an cư. “Chương trình đã hỗ trợ trực tiếp hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo của TP tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo và tiếp cận cơ hội làm ăn khá giả. Bộ mặt của các xã, phường có nhiều hộ nghèo thay đổi tích cực”, ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, phấn khởi chia sẻ. Từ năm 1992 đến nay là một chặng đường và TP sẽ không dừng lại. Từ năm 2016, TP tiếp tục tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực bằng chương trình “Giảm nghèo bền vững” (2016-2020), góp phần chăm lo mọi người dân đều có chất lượng sống tốt.

40 năm thành phố mang tên Bác, Đảng bộ, chính quyền TPHCM với quan điểm chỉ đạo nhất quán vì mục tiêu chăm lo đời sống nhân dân, nhất là dân nghèo, đã luôn bắt mạch đúng các yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, tìm ra hướng đi, cách thức, biện pháp sáng tạo và thực hiện hiệu quả nhờ sự đồng thuận của nhân dân. Chương trình giảm nghèo được khởi xướng và thành công ở TPHCM rồi lan tỏa ra cả nước, là một minh chứng hội tụ của ý Đảng, lòng dân, của những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc n

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục