Giảm “nhậu” vì ngại luật

Mấy ngày nghỉ tết, tôi có dịp về thăm quê ở Bến Tre. Bà con ở xa, có khi cả năm mới gặp nhau nên cứ tưởng như thông lệ sẽ “trà dư tửu hậu”. Nhưng tết này, sau ly trà và dĩa mứt dừa, người thân chỉ mời ăn cơm chứ không mời… rượu. Hỏi ra mới biết, nếu uống rượu, bia rồi chạy xe trên đường coi chừng bị kiểm tra nồng độ cồn, tiền phạt rất nặng.

Hỏi thêm thông tin từ công an tỉnh, chuyện xử phạt người uống bia, rượu khi lái xe đã được địa phương triển khai cấp “chiến dịch” theo chuẩn quốc tế từ cuối tháng 12-2014.
 
Trong khoảng thời gian nhất định, trên tất cả các tuyến đường, từ quốc lộ, tỉnh lộ, thậm chí đến lộ giao thông nông thôn, cảnh sát giao thông sẽ kết hợp với công an địa phương lập chốt kiểm soát nồng độ cồn. Tại vị trí kiểm soát, lực lượng chức năng đặt biển báo “Chốt kiểm tra nồng độ cồn” để người tham gia giao thông được biết. Trước chốt kiểm tra, cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh cho các phương tiện giảm tốc độ và hướng dẫn đi vào làn đường theo quy định để tới vị trí kiểm tra. Sau đó, tổ công tác dùng máy đo nồng độ cồn để kiểm tra, nếu không phát hiện vi phạm thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ “Cảm ơn” và hướng dẫn cho người lái xe tiếp tục lưu thông. Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về nồng độ cồn thì đưa người lái xe vào khu vực xử lý, xác định mức độ vi phạm về nồng độ cồn và lập biên bản xử lý theo quy định.

Theo Luật Giao thông đường bộ, trường hợp người điều khiển phương tiện các loại, vi phạm khi có nồng độ cồn vượt mức 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở. Đối với người điều khiển xe gắn máy, mức phạt từ 2 đến 3 triệu đồng; còn với người điều khiển ô tô, mức phạt từ 2 đến 15 triệu đồng. Đồng thời người điều khiển còn bị tạm giữ giấy phép lái xe, phương tiện có thời hạn tùy theo mức độ vi phạm. Nghe mức phạt, mấy bác nông dân ở quê cho biết: Uống vài ly rượu hay vài lon bia với anh em mà bị phạt nặng vậy, bằng thu nhập cả tháng thì tốt hơn hết không nên uống, hoặc nếu có uống thì đừng chạy xe.

Ngoài thực hiện theo luật, UBND tỉnh Bến Tre còn quy định: Tất cả những cán bộ - viên chức, không phân biệt chức vụ, cơ quan công tác, khi vi phạm luật giao thông đều bị xử lý nghiêm và phạt nặng hơn người dân bình thường, đồng thời sẽ bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật tại cơ quan, đơn vị mà người đó công tác tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

UBND tỉnh Bến Tre còn đặc biệt nghiêm cấm cán bộ - viên chức lợi dụng ảnh hưởng của mình để bảo lãnh cho cá nhân và người thân trong các trường hợp vi phạm luật giao thông. Những cán bộ - viên chức khi bị cảnh sát giao thông phát hiện vi phạm luật giao thông có thái độ phản ứng thái quá đối với người thừa hành công vụ, ngoài việc bị xử lý nặng còn “được” cho xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Do thực hiện nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn, Tết Ất Mùi vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bến Tre tình hình giao thông đã có cải thiện đáng kể. Mong rằng sẽ có nhiều địa phương làm nghiêm như Bến Tre để kéo giảm tai nạn giao thông, kéo giảm số người chết như yêu cầu của Thủ tướng tại phiên họp đầu năm.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục