(SGGP).- Trước tình hình cúm A/H5N1 đang diễn ra phức tạp, nhằm chủ động ngăn chặn xâm nhập và lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số người và gia cầm mắc bệnh và chết do cúm A/H7N9 và A/H5N1 từ cúm gia cầm, ngày 15-4, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phòng, chống dịch cúm A/H7N9 và A/H5N1.
Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND huyện, quận về việc công dân sống ở địa bàn mình tham gia buôn lậu, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm nhập lậu. Nơi nào chủ tịch UBND xã, phường, công an xã, phường không thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật pháp và chỉ đạo của cấp trên sẽ bị xử lý kịp thời, phải bị thay thế khi không hoàn thành nhiệm vụ một thời gian dài và đã được nhắc nhở mà không khắc phục. Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT theo dõi sát sao tình hình dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 ở trong nước và các nước xung quanh để thông tin kịp thời cho toàn dân hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại của các loại cúm gia cầm, cách phòng ngừa cúm gia cầm. Tiếp tục hướng dẫn người nuôi chim yến và chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa và xử lý hiệu quả nhất nếu chim yến bị nhiễm cúm gia cầm. Các địa phương chỉ đạo quyết liệt việc xử lý các chủ hàng, chủ phương tiện chuyên chở gia cầm lậu.
Chiều 15-4, TS Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 cho biết, ngoài 2 nhà nuôi phát hiện có yến chết trước đó, lực lượng thú y phát hiện một nhà không nuôi nhưng có yến chết bị nhiễm virus cúm A/H5N1. Cũng theo ông Bình, yến vẫn còn chết ở nhà nuôi (rạp hát Thanh Bình) nhưng với số lượng ít, khác với trên đàn gia cầm có tốc độ lây lan và chết rất cao.
Theo ghi nhận ban đầu của Cơ quan Thú y vùng 6, toàn bộ 43 mẫu chim yến chết xét nghiệm đều dương tính với virus cúm A/H5N1, nhưng 150 mẫu chim yến sống, 105 tổ yến và 133 mẫu phân lấy từ 28 nhà nuôi đều âm tính (không có H5N1). TP Phan Rang - Tháp Chàm có 59 nhà nuôi yến, trong đó 35 nhà nuôi có yến vào ở và đã kiểm tra, lấy mẫu 28 nhà yến.
KHÁNH NGUYỄN - LÂM NGUYÊN - CÔNG PHIÊN