Người bệnh phải nằm ghép 2-3 người/giường, thậm chí là 4 người/giường, công suất sử dụng giường bệnh của nhiều bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện lớn ở nhiều tỉnh thành lên tới 200% - 300%. Làm gì để giải quyết được tình trạng quá tải bệnh viện diễn ra trầm trọng và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh… Lời giải nào cho vấn đề bức xúc này của ngành y tế và xã hội?
Khổ như đi viện
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện vẫn diễn ra trầm trọng dù thời gian qua Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp để giảm tải.
Chẳng hạn như tại Bệnh viện K Trung ương, công suất sử dụng giường bệnh trên 170%, Bệnh viện Bạch Mai 168%, Chợ Rẫy 139%... Tại nhiều khoa phòng chuyên khoa, tình trạng quá tải còn nặng nề hơn. Tại Khoa Phẫu thuật tổng hợp, Bệnh viện K Trung ương công suất sử dụng giường lên tới 341%, Khoa Phẫu thuật vú 326%, Khoa xạ 282%. Tại các bệnh viện đa khoa lớn như Chợ Rẫy, Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương… các khoa tim mạch, hô hấp, ung bướu, nội tiết cũng luôn trong tình trạng quá tải khoảng 200%.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện không nên vượt quá 85%. Khi công suất sử dụng giường bệnh vượt quá mức trên, đặc biệt khi công suất lên quá cao, trên 95% sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng không đủ giường bệnh để tiếp nhận thêm người bệnh, đặc biệt là các trường hợp cấp cứu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, không nơi nào trên thế giới lại có tình trạng nằm ghép 3-4 người/giường như bệnh viện ở nước ta. Thậm chí, người bệnh xếp hàng từ 5 giờ đến 11 giờ vẫn chưa được khám bệnh chỉ vì thủ tục hành chính rườm rà.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ngoài yếu tố năng lực chuyên môn của tuyến y tế cơ sở hạn chế, kinh phí đầu tư cho y tế thấp, còn do thiếu các quy chế, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cũng như những tác động không mong muốn của một số chính sách.
Cùng với đó là bệnh tật diễn biến ngày càng phức tạp, làm gia tăng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mãn tính cũng gia tăng đến mức báo động, tăng gấp 2,9 lần so với các bệnh truyền nhiễm.
Giảm tải vẫn phải chờ
Để giải quyết tình trạng quá tải ở nhiều bệnh viện lớn đã kéo dài nhiều năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang tập trung xây dựng Đề án giảm tải bệnh viện để trình Chính phủ vào tháng 6 tới.
Đáng chú ý, trong đề án này, Bộ Y tế sẽ tiến hành phân tuyến kỹ thuật cụ thể, quy định chuyển tuyến và các định mức thanh toán rất rõ ràng, với mục tiêu đến năm 2015 giải quyết được tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội và TPHCM, với công suất sử dụng giường bệnh không vượt quá 100%. Đến năm 2020 giảm tải bền vững trong toàn hệ thống khám chữa bệnh ở cả 3 tuyến trung ương, tỉnh, huyện.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Y tế đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tới công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhằm giảm tỷ lệ mắc, tử vong của các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời, tăng cường phòng chống các bệnh không nhiễm trùng, góp phần giảm nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Nhà nước tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư và nguồn kinh phí sự nghiệp cho ngành y tế, bảo đảm chi cho y tế đạt 10% GDP, chi tiêu công cho y tế đạt trên 50% (hiện nay là 39,3%). Ngay trong năm nay, mục tiêu phấn đấu giảm 15%-20% tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương, thành phố, chuyên khoa ung bướu, nhi, tim mạch so với năm 2011.
Bộ Y tế cũng yêu cầu một số bệnh viện đang quá tải trầm trọng triển khai ngay các biện pháp giảm tải trước mắt, như: Bệnh viện K Trung ương trước tháng 6 sẽ phải chuyển 300 giường bệnh ra cơ sở 3 tại Tân Triều, Thanh Trì (Hà Nội) để giảm tải cho cơ sở chính nằm trong nội thành Hà Nội. Bệnh viện Bạch Mai phải khẩn trương bố trí thêm 50 giường bệnh tại Viện Tim mạch và Trung tâm ung bướu. Các bệnh viện cũng sẽ phải sắp xếp, bố trí lại quy trình khám chữa bệnh khoa học hơn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, có biển chỉ dẫn rõ ràng và nhân viên tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo để giảm thời gian chờ đợi và sự phiền hà của người bệnh.
| |
NGUYỄN QUỐC