Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, thừa nhận: “Vấn đề lớn nhất trong quản lý vịnh Hạ Long là sự xung đột quá lớn giữa bảo vệ, giữ gìn di sản với phát triển du lịch, công nghiệp. Làm sao để vừa giữ gìn được di sản nhưng vẫn phải khai thác hiệu quả để có kinh phí đầu tư trở lại cho việc bảo vệ, gìn giữ vịnh Hạ Long...”. Trong khi đó, rất nhiều tiềm năng chưa được ngành du lịch tỉnh này đánh thức.
Xứ mài dao
Ông Lương Đức là nghệ sĩ nhân dân - đạo diễn điện ảnh, tính từ năm 1980 đến nay đã làm 8 bộ phim về vịnh Hạ Long và vừa mới hoàn thành bộ phim Quảng Ninh, hội tụ và lan tỏa. Thế nên, khi một nhóm người thân, bạn bè từ Canada về Việt Nam du lịch, ông được nhóm tin tưởng giao dẫn đoàn đi tham quan vịnh Hạ Long, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Năm người mua tour giá 650.000 đồng/người để đi tàu tham quan vịnh trong một ngày. Khi mua tour, công ty quảng cáo là giá trên đã trọn gói, nhưng thực tế thì 5 người này hết bị sang nhượng, khởi hành chậm giờ rồi bị quăng đi quật lại từ “nhóm chặt này đến nhóm chém” khác… “Mất toi 10 triệu đồng trong một buổi sáng”, ông Lương Đức bức xúc. Chưa hết, trong suốt thời gian ở trên tàu, nhóm của ông còn chứng kiến cảnh tất cả rác thải sinh hoạt của du khách đều bị nhân viên phục vụ trên tàu đổ thẳng xuống biển. Hậu quả là thức ăn thừa, vỏ đồ uống, túi ni lông… trôi lều bều, bốc mùi hôi tanh. “Ô nhiễm môi trường, co kéo, chặt chém khách như thế thì làm phim có hay đến mấy cũng không lấy được cảm tình của du khách”, ông Lương Đức chua chát.
Từ lâu, khách du lịch khi nhắc đến Quảng Ninh đều thở hắt ra kèm lời ta thán: xứ mài dao, vùng than (than thở, than trời)… “Mùa hè vừa rồi (mùa cao điểm du lịch), tôi từng phải trả 1 triệu đồng/ngày đêm cho một phòng khách sạn hạng thường ở TP Bãi Cháy”, anh Phạm Thanh Bình, một người kinh doanh du lịch ở TP Hà Nội, thường xuyên dẫn khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cho biết.
Ô nhiễm môi trường cũng từ lâu đã là một vấn nạn của vịnh Hạ Long. Toàn tỉnh hiện có hơn 500 tàu du lịch các loại, trong đó có 180 tàu cung cấp dịch vụ ngủ đêm trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Và tất cả các tàu này đều xả rác, nước thải, thức ăn thừa, chất thải… thẳng xuống vịnh. Kết quả một số nghiên cứu về môi trường thời gian qua đã cho thấy, chất lượng nước vịnh đã suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ như: tăng lượng chất rắn lơ lửng (TSS), giảm oxy hòa tan (DO), tăng nhu cầu oxy sinh hóa... do ảnh hưởng của hoạt động dân sinh và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ven bờ và trên vịnh. Đặc biệt, tại khu vực các cảng than, nhà máy sàng tuyển than, khu vực chợ Hạ Long 1, khu vực cột 3 đến cột 8... chất lượng nước suy giảm rõ rệt, các thông số đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Theo phân tích, đánh giá của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, công tác quản lý môi trường sinh thái còn tồn tại một số vướng mắc: chưa loại trừ được nguồn gây ô nhiễm môi trường vịnh do các hoạt động từ ven bờ; việc sắp xếp lại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long chưa được triển khai có hiệu quả; công tác thu gom và xử lý rác thải trôi nổi trên vịnh và ven bờ chưa được triệt để; cơ sở hạ tầng đồng bộ để thực hiện thu gom, vận chuyển xử lý chất thải từ các phương tiện thủy nội địa chưa được quan tâm đầu tư.
Vịnh Hạ Long vẫn nằm trong khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới, nhấn mạnh về môi trường. Thực tế, các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu đều xuất phát từ khu vực ven bờ vịnh, đặc biệt là từ hoạt động khai thác, chế biến than, chất thải sinh hoạt của dân cư ven bờ, từ tàu thuyền du lịch, hoạt động giao thông, cảng biển, dân cư và nhà bè trên vịnh. PGS-TS Trương Quốc Bình, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đánh giá: “Trước đây, Hòn Gai với cảng than mù mịt, đen nhẻm, giờ làm gì có chuyện ấy, nhưng lại là sức ép dân số, ô nhiễm xã hội, dân số, nhân văn...”. Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đã cho rằng: Trước mắt, Quảng Ninh hoàn toàn có thể áp dụng các giải pháp thông thường, đơn giản để xử lý nước thải như lắng qua bể sơ cấp, bể tự hoại, xử lý bùn hoạt tính... Do đặc thù, vịnh Hạ Long có quá nhiều đầu mối, do vậy cần có kế hoạch kết nối lại các dự án, đề án triển khai trên vịnh. Với những “sự đã rồi” như sự tồn tại của các nhà máy xi măng chẳng hạn thì cần có giải pháp kỹ thuật để hạn chế các vấn đề về môi trường. Biển đã lấn rồi thì cố gắng để khắc phục, như làm kè bảo vệ, không tiếp tục lấn biển nữa. Nước thải giờ mới xử lý được trên 50%, cần xây dựng một nhà máy xử lý nước, rác thải hiện đại để xử lý triệt để vấn đề môi trường… Việc di dân làng chài cần lưu ý đến tạo kế sinh nhai cho các hộ này. Với số hộ vẫn ở dưới biển phải có giải pháp để vừa phục vụ tốt cho phát triển du lịch vừa đảm bảo về môi trường…
Tình trạng đeo bám tàu du lịch ăn xin, bán hàng rong, cò mồi, ép giá, phá đá, chặt cây, lấy nhũ đá, khai thác, mua bán san hô… cũng vẫn là điều nhức nhối khiến du khách mất cảm tình với đất mỏ.
Đa dạng hóa
Tỉnh Quảng Ninh có 22 dân tộc sinh sống, hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa, có những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, núi Yên Tử, cảng Vân Đồn, đảo Cô Tô… Thế nhưng, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh này hầu như chỉ nhăm nhăm vắt kiệt vịnh Hạ Long. Tham quan di tích ngành than (Quảng Ninh là quê hương của ngành sản xuất than từ cách đây 174 năm) là một sản phẩm du lịch mang bản sắc vùng mỏ vẫn còn đang bỏ ngỏ. Ông Hà Văn Phàn, người đam mê với du lịch tỉnh Quảng Ninh, tư vấn: Di tích điểm khai thác than đầu tiên của nước ta tại núi Yên Lĩnh (còn gọi là Yên Lãng), ở huyện Đông Triều là di tích khẳng định bề dày lịch sử của nghề khai thác than ở Quảng Ninh. Tiếp đến là di tích nơi bắt đầu nổ ra cuộc tổng bãi công của thợ mỏ tại Cẩm Phả. Và các di tích kháng chiến chống Mỹ, như di tích trận địa pháo cao xạ 37 ly của tự vệ Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai; di tích trận địa pháo cao xạ 37 ly của tự vệ bến Cửa Ông... Một trong các di tích đáng được lưu tâm khác, đó là di tích lò giếng đứng và công nghệ khai thác than bằng lò giếng đứng đầu tiên của nước ta ở Mông Dương. Với di tích này, ý nghĩa của nó còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia, mang tầm quốc tế. Vì nơi đây, có sự giúp đỡ về nhân lực và công nghệ của nước bạn Liên Xô (cũ)… Tất cả những di tích liên quan đến ngành than ấy, nếu được liên kết lại có thể tạo nên một tuyến du lịch tham quan khá hấp dẫn, bổ ích.
Ở thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên có rất nhiều ngôi nhà cổ xây bằng đá cuội bấy lâu nay rất cuốn hút đối với giới quay phim, chụp ảnh. Phố cổ Tiên Yên nằm tại trung tâm thị trấn Tiên Yên, trên các phố Quang Trung, Hòa Bình… bao gồm một hệ thống những ngôi nhà cổ nằm liền kề nhau với kiểu kiến trúc ngói lợp âm dương. Là một thị trấn ra đời từ thời Pháp thuộc, được hình thành bởi những tiểu thương buôn bán hàng hóa đầu thế kỷ XX gồm cả người Việt và người Hoa đến sinh sống làm ăn. Diện mạo thị trấn Tiên Yên trước đây được quy hoạch và xây dựng theo kiến trúc bàn cờ, nhà cửa theo hình ống mang dáng dấp của một đô thị cổ hao hao giống phố cổ Hội An. Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, phố cổ Tiên Yên cũng vận động và mang dấu ấn văn hóa của nhiều thời kỳ. Phố được kiến tạo bởi các ngôi nhà nhỏ bé với mái ngói làm bằng đất nung lợp theo kiểu âm dương (một hàng ngửa, một hàng úp), lô nhô nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác. Các ngôi nhà đặc trưng có chiều ngang chỉ vài ba mét nhưng được xây cao đến hai tầng, ba tầng và có chiều sâu tới vài chục mét. Cư dân sinh sống trên đất Tiên Yên thuộc 13 dân tộc: Kinh, Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, Nùng, Hoa, Thái... vẫn bảo lưu được phong tục tập quán, văn hóa, lối sống đẹp, nên thơ. Nếu được xếp hạng là di tích danh thắng, di tích lịch sử hay kiến trúc, được quan tâm bảo tồn, được đánh thức, chắc chắn đây sẽ là một điểm du lịch hấp dẫn. Các làng nghề sản xuất và chế biến trà Vân, nước mắm (Vân Đồn), chả mực (Hạ Long), gốm (Đông Triều)… nếu được đầu tư mở loại hình du lịch cộng đồng cũng sẽ rất hút khách.
Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 cơ sở lưu trú, hơn 500 tàu du lịch các loại, trong đó có 180 tàu cung cấp dịch vụ ngủ đêm trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long. Trong giai đoạn 2001 - 2010, tổng lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh tăng trưởng bình quân đạt mức 11,8%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 13,5%, tổng doanh thu du lịch tăng bình quân 24,5%. Mục tiêu của tỉnh là chuyển từ kinh tế nâu hiện nay (70% tổng doanh thu từ khai thác than) sang kinh tế xanh (70% tổng doanh thu từ du lịch).
| |
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG