Những năm 1960-1970, số ca tai nạn giao thông tại Nhật Bản tăng mạnh, đỉnh cao là năm 1970 với 16.765 người chết. Thế nhưng, nhờ các biện pháp an toàn giao thông quyết liệt, con số này giảm nhanh chóng cho tới nay.
Tổ chức về con người
Xe hơi cá nhân của Nhật Bản tăng nhanh chóng từ cuối những năm 1960. Đến năm 1993, dân số của Nhật Bản lúc đó là 120 triệu thì xe hơi đã vượt 60 triệu chiếc, trung bình 2 người sở hữu 1 chiếc xe hơi. Việc xây dựng đường giao thông không theo kịp với đà tăng phương tiện giao thông nên số vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng. Vào những năm 1960, trung bình cứ 0,91 đường cao tốc ở Nhật Bản có đến 1.000 xe ô tô các loại. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/5 ở Mỹ và 1/3 ở Đức. Việc mở rộng hay xây dựng mới đường bộ ở Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn do giá đất đền bù cao, do lo ngại về ô nhiễm môi trường…
Năm 1970, Luật An toàn giao thông của Nhật Bản được thông qua, sau đó Ủy ban An toàn giao thông được thành lập cùng với các chương trình an toàn giao thông cơ bản (FTSP). Nhờ các biện pháp này, số vụ tai nạn giao thông bắt đầu giảm, đến năm 1979, số người chết do tai nạn giao thông chỉ còn 8.466, giảm so với năm 1970. Những biện pháp quyết liệt như mở thêm đường mới và mở rộng đường cũ, lắp đặt các thiết bị an toàn giao thông và giáo dục về an toàn giao thông được xem là những yếu tố chính làm nên sự thay đổi này.
Thông qua FTSP, Nhật Bản đưa ra nhiều nguyên tắc cơ bản xác định các biện pháp lâu dài và toàn diện về an toàn giao thông trên bộ, trên biển và trên không. Năm 1971, Ủy ban An toàn giao thông Nhật Bản đã đưa ra FTSP đầu tiên, theo đó cứ mỗi 5 năm sẽ xem xét và đánh giá lại. Hiện Nhật Bản đang thực hiện FTSP lần thứ 9 (2011-2015). Mỗi lần đánh giá lại, FTSP đề ra các mục tiêu cụ thể để giảm số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Tính chung, các biện pháp sau đây được thực hiện thường xuyên: cải thiện môi trường giao thông, áp dụng các sáng kiến an toàn giao thông, đẩy mạnh lái xe an toàn, áp dụng an toàn phương tiện giao thông, duy trì trật tự trên đường, tăng cường các hệ thống cứu hộ, đẩy mạnh khảo sát, nghiên cứu và phát triển giao thông.
Điều đáng lưu ý là vị trí Chủ tịch Ủy ban Trung ương về an toàn giao thông của Nhật Bản do Thủ tướng nước này đảm nhiệm. Ngoài các FTSP, giúp việc cho Ủy ban An toàn giao thông trung ương còn có Ủy ban công tác giao thông do Bộ trưởng Giao thông vận tải làm chủ tịch. Ủy ban này có nhiệm vụ điều phối và thúc đẩy các biện pháp an toàn giao thông. Tại mỗi tỉnh, Ủy ban An toàn giao thông các tỉnh sẽ đưa ra các chương trình an toàn giao thông cho tỉnh đó.
Bước ngoặt
Việc phát triển hệ thống đường bộ an toàn hơn được xem là biện pháp bước ngoặt, trong đó kể cả việc mở thêm và cải tạo đường cũ như đường cao tốc, đường băng ngang, đường cho xe đạp, phân biệt giữa đường dành cho xe và lề đường cho người đi bộ. Những đường bộ nào với tỷ lệ tai nạn thấp sẽ được ưu tiên mở rộng, cải tạo.
Cụ thể, tai nạn giao thông giảm 2/3 sau khi nâng cấp lề đường, giảm sau khi nâng cấp các ngã tư, giảm sau khi nâng cấp hệ thống đèn giao thông. Đặc biệt, với những đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn, theo thống kê, đa số là ở một số đoạn trên xa lộ. Các biện pháp an toàn sẽ được áp dụng ưu tiên tại những điểm đen này.
Trong số các biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông là việc sử dụng hệ thống giao thông thông minh (ITS). Chẳng hạn, trên quốc lộ Meihan (còn gọi là quốc lộ 25) tại tỉnh Nara, các vụ tai nạn giao thông giảm hơn 70% với hệ thống cảnh báo nguy hiểm, trong đó các đường cua khuất tầm nhìn đặt nhiều hệ thống cảnh báo phía trước. Trong số những biện pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, Nhật Bản là nước đi đầu trên thế giới về ứng dụng khoa học công nghệ vào giao thông.
Cuối những năm 1960, Nhật Bản cho ra đời các dịch vụ thông tin giao thông như ATIS, AVS, CVO… theo đó có thể thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông vị trí và hướng đi của các phương tiện giao thông khác nhằm tránh xảy ra tai nạn, kẹt xe. Các hệ thống này đã phát huy tác dụng rất tốt.
Ngoài các biện pháp kỹ thuật, Ủy ban An toàn giao thông Nhật Bản còn đề ra các biện pháp hành chính như phạt nặng những người lái xe sau khi uống rượu. Số lượng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia đã giảm một nửa trong vòng 10 năm qua do việc áp dụng phạt nặng các tài xế “đệ tử lưu linh”. Ngoài ra việc bắt buộc người ngồi trên xe thắt đai an toàn cũng giúp giảm số ca tử vong trong những vụ tai nạn giao thông.
Một vấn đề quan trọng không kém là trong quá trình phát triển các ITS, hai lĩnh vực công và tư của Nhật Bản hợp tác với nhau rất hiệu quả. Bộ Thương mại và công nghiệp chịu trách nhiệm chính việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ các loại xe sao cho đảm bảo ATGT và tăng hiệu quả. Bộ này cũng chịu trách nhiệm về việc đưa các ứng dụng khoa học mới nhất của ngành công nghiệp xe hơi vào việc sản xuất xe hơi để đảm bảo ATGT.
Bên cạnh đó Bộ Bưu chính Viễn thông đảm bảo cung cấp đầy đủ tần số cho thông tin về ATGT, thông tin giữa các phương tiện giao thông. Và không thể không nhắc đến Bộ Giao thông Vận tải với vai trò chính là chịu trách nhiệm an toàn đường bộ, đường sắt và đường không cũng như cấp giấy phép cho các phương tiện giao thông.
Ở lĩnh vực tư nhân, Nhật Bản cho phép các công ty tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực như nâng cấp đường, hệ thống tín hiệu giao thông, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông phục vụ giao thông nhưng được các bộ liên quan giám sát chặt chẽ.
KHÁNH MINH tổng hợp