Bạc Liêu là địa phương sản xuất muối chủ lực ở vùng ĐBSCL và hiện đang chuẩn bị vào vụ muối mới 2016-2017 nhưng tình trạng muối tồn đọng vẫn còn nhiều…
Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, vụ muối năm 2015 - 2016 nhờ thời tiết thuận lợi nên hầu hết diêm dân được mùa, sản lượng tăng mạnh. Bà Ba Tân, ngụ ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, cho biết: “Hàng năm cứ vào cuối tháng 11 (âm lịch) là lúc diêm dân làm đất để chuẩn bị vụ muối mới. Thời điểm này, giá muối sẽ tăng lên chút ít, nhưng năm nay lại không tăng chút nào. Thời điểm này, đúng ra giá muối đen phải ít nhất cũng từ 500 - 600 đồng/kg trở lên, chứ đâu chỉ có 300 - 400 đồng/kg. Muối rẻ quá khiến nhiều hộ vẫn chưa bán được ký muối tồn nào”, bà Ba Tân than thở.
Diêm dân Bạc Liêu gặp khó khăn vì giá muối thấp, khó tiêu thụ
Một trong những nguyên nhân khiến muối khó tiêu thụ là do diêm dân Bạc Liêu chủ yếu sản xuất muối đen truyền thống. Vài năm trước, mặt hàng muối đen còn được các cơ sở sản xuất nước đá, tàu đánh cá… mua về sử dụng. Nay đa phần đã chuyển sang mua muối trắng nên muối đen tồn đọng nhiều.
Thời gian qua giá muối trắng được Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu mua tạm trữ dao động từ 700 - 800 đồng/kg, đây là mức giá người dân có thể chấp nhận được. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm HTX Diêm nghiệp Doanh Điền (xã Điền Hải): Để làm muối trắng, bà con chỉ cần đầu tư thêm khoảng 50 triệu đồng mua bạt lót cho mỗi hécta. Trong khi, năng suất muối trải bạt đạt trên 100 tấn/ha, còn muối đen chỉ khoảng 60 tấn/ha. Hiện muối trắng giá 700 đồng/kg, muối đen 330 đồng/kg.
Bạc Liêu có diện tích đất làm muối khoảng 2.500ha, trong đó chỉ hơn 100ha muối trải bạt. Sau vụ mùa năm rồi, trên địa bàn tỉnh còn tồn hơn 130.000 tấn muối. Mặc dù các ngành chức năng đã hỗ trợ diêm dân nhiều biện pháp tiêu thụ muối, nhưng ước tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn tồn khoảng 89.000 tấn muối đen.
Để giải quyết những khó khăn trên, ông Bùi Minh Túy, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, cho biết: “Với vị trí gần biển, độ mặn vào mùa khô rất cao, vùng đất Đông Hải được đánh giá thích hợp để phát triển nghề nuôi Artemia. Trong vụ muối 2016 - 2017, sẽ chuyển khoảng 60ha đất làm muối sang nuôi thử nghiệm Artemia. Nếu chứng minh được hiệu quả, sẽ là hướng đi cho mới cho diêm dân. Qua khảo sát cho thấy mô hình này ít rủi ro, nên có thể huy động các ngân hàng hỗ trợ vốn để bà con phát triển”. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu tiết lộ thêm: “Thời gian tới sẽ giảm dần diện tích sản xuất muối trên địa bàn. Kế hoạch đến năm 2030, diện tích muối của tỉnh giảm chỉ còn 1.500/2.500ha. Với muối 2016-2017, Bạc Liêu chỉ sản xuất 2.300ha, phần diện tích giảm sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh đang thử nghiệm những mô hình mới phù hợp ở vùng đất muối để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế”.
KHÁNH HƯNG