Trong khi đó, mạng xã hội chính là một trong những kênh thông tin phát tán hàng dỏm hiệu quả. Lạ ở chỗ, người tiêu dùng rất hào hứng, sẵn sàng tiếp tay cho việc buôn bán các mặt hàng này, gồm cả những người có trình độ hiểu biết.
Đủ kiểu né tránh
Là nhân viên văn phòng, chị Nguyễn Thị Mai Ngọc (ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp) có nhiều thời gian lướt web “săn” hàng giảm giá. Cùng mặt hàng nhập khẩu, xuất xứ nhưng canh được các đợt khuyến mãi tốt, chị Mai Ngọc có thể mua sản phẩm có giá rẻ hơn từ 50% - 70% so với giá gốc. Như chai nước hoa nữ Miss Dior (Pháp) 100ml giá 2,39 triệu đồng, giảm chỉ còn 1,15 triệu đồng. Thế nhưng, theo chị Mai Ngọc trường hợp hàng chính hãng giảm giá thế này không nhiều, chủ yếu giảm giá mặt hàng gần hết hạn sử dụng. “Tôi đặt hàng từ người thân ở nước ngoài chứ mua bên ngoài thì hên - xui lắm. Chất lượng phập phù, giá nào cũng có, không biết đâu mà lần”, chị Mai Ngọc nói.
Điều này cũng dễ hiểu vì hàng dỏm, hàng nhái ngoài thị trường rất nhiều, khó kiểm soát. Tại một fanpage “Hàng xách tay xịn”, “Hàng fake (giả) cao cấp”… thu hút hàng ngàn lượt xem, người bán hàng công khai thừa nhận đang bán hàng nhái đủ mọi cấp độ, nhiều mức giá. Theo một giám đốc doanh nghiệp chuyên doanh mỹ phẩm có thương hiệu tại TPHCM, công ty ông nhiều năm qua phải chật vật với các sản phẩm nhái bán tràn ngập ở chợ truyền thống, như chợ Bến Thành (quận 1), Nhật Tảo (quận 10)… Vị này cho biết, một chai nước hoa chính hãng, loại 50ml-100ml, của công ty có giá từ 1 - 2 triệu đồng/chai, tùy loại, nhưng giá trên thị trường chỉ 100.000 - 200.000 đồng/chai. Hàng hóa tập trung nhiều tại chợ lẻ, điểm kinh doanh gần khu công nghiệp, khu chế xuất… Doanh nghiệp phải âm thầm tự đi xử lý các trường hợp vi phạm bằng cách yêu cầu họ ngưng làm nhái nhưng rất khó khăn.
Vừa qua, lực lượng QLTT TPHCM chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên trách địa phương kiểm tra một số địa chỉ kinh doanh trên mạng, nhưng nhiều địa chỉ trong số này không có hàng hoặc đã chuyển sang địa chỉ mới. Trong vai khách cần mua hàng, người viết chủ động dò tìm một điểm bán hàng mỹ phẩm xách tay nhập khẩu nằm tại con hẻm nhỏ gần cầu vượt Quang Trung (giáp ranh quận 12 và Gò Vấp). Được biết, đây là chỗ trọ của nhóm sinh viên chuyên về công nghệ thông tin. Để có thêm thu nhập, nhiều bạn trẻ cùng hùn vốn, lấy hàng từ nhiều nguồn (Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản…) để bán cho khách. Tuy nhiên, nhóm này cho hay đang chuẩn bị chuyển địa điểm kinh doanh sang quận khác để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng. Những người này còn thông tin thêm, nhiều địa chỉ kinh doanh trên mạng đang “ăn nên làm ra” nhờ liên tục áp dụng các chiêu này.
Không dễ tẩy chay
Ngoài việc tác động xấu đến nền kinh tế, hàng dỏm còn gây hại trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Vấn đề nằm ở chỗ, hàng dỏm hiện nay khai thác rất tốt thị hiếu khách hàng, bất kể đó là hàng bình dân hay cao cấp, thương hiệu trong nước hay quốc tế… Giám đốc phụ trách kinh doanh một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bức xúc phản ánh rằng, bà đã nhiều lần cùng bộ phận pháp chế lần tìm những chủ cơ sở sản xuất hàng dỏm (dầu gội, nước xả…) của doanh nghiệp để bắt tại trận. Thế nhưng, sau khi bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính vài chục triệu đồng, chủ cơ sở này ung dung đi tìm địa phương khác tiếp tục… sản xuất hàng giả. Điều này khiến doanh nghiệp tổn thất rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng. “Chúng tôi nhiều lần ghi âm, ghi hình, bắt tại trận các cơ sở sản xuất này, nhưng chẳng ăn thua, vì sau đó họ tiếp tục vi phạm ở những địa điểm mới tinh vi hơn. Cơ quan chuyên trách Việt Nam có phối hợp nhưng không xử phạt triệt để”, vị giám đốc doanh nghiệp bức xúc.
Tại một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, nhìn nhận có thực tế người tiêu dùng tiếp tay khi tiêu thụ hàng nhái, hàng giả. Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp ngại tố cáo sai phạm bởi tâm lý lo khi thừa nhận sản phẩm bị làm giả, làm nhái sẽ khiến người tiêu dùng dè chừng, không muốn mua hàng. Trao đổi với báo chí về biện pháp xử lý hàng dỏm trên thị trường, ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, ở góc độ người mua nên chủ động mua hàng có chất lượng, nguồn gốc tại các điểm bán uy tín để bảo vệ mình. Đối với QLTT TP, đơn vị cũng thường xuyên tăng cường, phối hợp cùng các lực lượng chuyên trách khác trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý hàng lậu, hàng kém chất lượng…
Nghịch lý vừa muốn xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái trên thị trường nhưng lại muốn hạn chế thông tin, không muốn người tiêu dùng biết sản phẩm bị làm nhái khiến doanh nghiệp mãi loay hoay trong việc đồng hành chống hàng dỏm. Còn người tiêu dùng vì ham rẻ, ham đẹp cũng không quan tâm nhiều đến chất lượng, xuất xứ khiến hàng dỏm dễ bề lộng hành. Ngoài ra, một vấn đề “nóng” khác nữa chính là việc các cơ quan chuyên trách (QLTT, hải quan, công an kinh tế, thuế…) đã kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt công tác đấu tranh chống gian lận thương mại trên mạng xã hội hay chưa? Bởi thời gian gần đây, tại hàng loạt cuộc họp lớn liên quan đến công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại, đại diện các đơn vị trên đều thừa nhận rất khó xử lý các trường hợp kinh doanh chui trên mạng. Mà nguyên nhân được nêu ra là do thiếu nhân lực, cần bổ sung cán bộ chuyên môn…