Do thiếu hiểu biết về chính sách lao động và các quy định của Bộ luật Lao động, nhiều lao động đã bị thiệt thòi về quyền lợi. Họ phải bảo vệ mình bằng cách nào?
Sai phạm tràn lan
“Tôi làm việc ở Công ty Bảo vệ Bảo Long từ năm 2008 đến tháng 5-2011 thì bị bệnh, phải cấp cứu và điều trị tại bệnh viện 2 đợt tốn phí trên 5 triệu đồng. Do công ty không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên tôi phải bỏ tiền túi thanh toán viện phí. Sau khi xuất viện, tôi nhận được quyết định thôi việc trong khi tôi có nhu cầu làm việc trở lại. Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật đối với tôi. Để lấy lại quyền lợi chính đáng của mình, tôi cầu cứu Phòng Lao động Thương binh - Xã hội quận 10 nhưng kết quả hòa giải không thành và tôi đã nộp đơn khởi kiện lên Tòa án Nhân dân quận 10. Thế nhưng, từ tháng 10 đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Tôi không biết phải chờ đợi đến bao giờ và làm thế nào để đòi hỏi quyền lợi?”.
Đó là nội dung lá đơn gửi Báo SGGP phản ánh hành trình gian nan đòi quyền được thụ hưởng chính sách lao động của anh Nguyễn Văn Hai, từng làm việc tại Công ty TNHH TMDV Bảo vệ Bảo Long (quận 10 TPHCM).
Cũng như anh Hai, nhiều người lao động (NLĐ) khi làm việc không quan tâm đòi hỏi quyền lợi hợp pháp là được ký HĐLĐ theo quy định, chỉ khi bị sa thải mới biết mình “trắng tay”. Theo Thanh tra Sở LĐTB-XH TP, không tiến hành giao kết HĐLĐ sẽ không có cơ sở pháp lý để giải quyết quyền lợi chính đáng theo luật định cho NLĐ khi xảy ra tranh chấp.
Hiện nay, ở khu vực kinh doanh cá thể, tình trạng giao kết HĐLĐ bằng miệng khá phổ biến. Vì quyền lợi trước mắt, đa phần NLĐ chấp nhận lãnh luôn một cục tiền lương hàng tháng, thay vì phải trích ra đóng BHXH, BHYT, BHTN… Theo các chuyên gia về lao động, dù giao kết hợp đồng bằng miệng nhưng NLĐ nên đề nghị chủ sử dụng lao động viết những thỏa thuận này trên giấy, có chữ ký để có cơ sở đòi hỏi quyền lợi khi xảy ra tranh chấp.
Xử phạt chưa hợp lý
Trong năm 2011, Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM nhận được 563 đơn khiếu nại, tranh chấp về lao động, trong đó có 348 đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết. Qua thanh, kiểm tra theo chuyên ngành và theo đơn thư khiếu nại, Thanh tra sở đã ban hành 621 quyết định xử phạt hành chính các doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng.
Trong số này, vi phạm trong lĩnh vực BHXH chiếm nhiều nhất với 159 vụ, bị phạt 1,35 tỷ đồng. Tuy nhiên, do mức xử phạt hành chính quy định chưa phù hợp và mức tối đa cho hành vi vi phạm nghiêm trọng chỉ 30 triệu đồng nên nhiều chủ sử dụng lao động chấp nhận nộp phạt thay vì phải tham gia đóng BHXH đầy đủ cho NLĐ.
Theo ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TP, năm 2011, tình trạng vi phạm luật lao động vẫn phổ biến. Một trong các hành vi sai phạm phổ biến là giao kết miệng hoặc giao kết HĐLĐ không đúng loại, trong đó ghi không đầy đủ chế độ BHXH, tiền lương, đặc biệt là không phân loại lao động nặng nhọc, nguy hiểm để áp dụng chế độ phụ cấp phù hợp. Song song đó, tình trạng chây ỳ, nợ BHXH chưa thuyên giảm, và nổi cộm là không chốt sổ BHXH đúng quy định, chiếm dụng quỹ BHXH rồi tự trang trải tiền BHXH cho NLĐ…
Để bảo vệ quyền lợi của mình, NLĐ phải trang bị kiến thức, hiểu biết về pháp luật lao động và quyền lợi được thụ hưởng khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Trong trường hợp có quan hệ lao động nhưng chủ sử dụng cố tình không thực hiện việc giao kết hợp đồng lao động thì thông báo cho cơ quan quản lý lao động tại địa phương hoặc Thanh tra Sở LĐTB-XH biết để yêu cầu họ phải tiến hành giao kết hợp đồng lao động theo quy định.
Khánh Bình