Gian nan phòng chống dịch bệnh

NGUYỄN ĐẮC THỌ
Gian nan phòng chống dịch bệnh

Bài 1: Xác xơ trạm y tế phường, xã

Dù rằng năm 2010, Sở Y tế TPHCM công bố đã có 238/322 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (chiếm 73,91%) nhưng dịch bệnh vẫn không thể kiềm chế. Số ca tử vong do dịch bệnh tăng chóng mặt thời gian qua chứng tỏ công tác phòng dịch ở TPHCM còn nhiều bất cập. Điều đáng nói là vai trò hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở còn quá mờ nhạt.
 

  • Trạm y tế thành nhà thuốc, phòng mạch tư
     

Năm nào phường 15, quận 8 cũng nằm trong tốp địa phương có số ca dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) cao nhất quận. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh tay-chân-miệng bùng phát trên nhiều địa bàn thì phường 15 cũng có số ca cao nhất quận với 23 ca. BS Võ Văn Năm, Trưởng trạm y tế phường, trần tình: “Trạm cũng làm hết cách rồi, cũng tham mưu cho UBND phường công tác phòng ngừa nhưng dịch bệnh vẫn tăng”. 
 

Trạm Y tế phường 15 quận 8 bị hàng quán che khuất.

Trạm Y tế phường 15 quận 8 bị hàng quán che khuất.

Nằm ven bến Bình Đông, trạm y tế phường 15 nép mình sau cái chợ chồm hổm. Quan sát thật kỹ mới nhận ra trạm y tế bởi đã bị hàng quán che khuất. Với 38.000 dân, phường 15 quận 8 đã tăng gấp đôi dân số từ 3 năm qua. Kéo theo đó là các hệ lụy về môi sinh, môi trường. Trong khi đó, với nhân sự 5 người gồm 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 nữ hộ sinh và 2 điều dưỡng, trạm y tế phường “ôm” không xuể.
 
 “Cái khó nhất của phòng chống dịch bệnh là tuyên truyền. Mình có làm nhưng sự tham gia hưởng ứng của người dân còn thấp. Một buổi họp truyền thông thì dân vừa tới ngồi chưa nóng chỗ đã về. Khi hỏi có biết phòng dịch bệnh không thì ậm ờ làm lơ”, bác sĩ Năm chia sẻ.
 
Nằm ngay góc mặt tiền đường Cao Thắng - 3 Tháng 2, thật khó hình dung đó là trạm y tế phường 11 quận 10. Trạm y tế là một căn nhà hẹp rộng khoảng 4m nhưng ngay phía trước là một quầy thuốc tây nằm án ngữ gần hết mặt tiền. Dược sĩ bán thuốc cho biết nhà thuốc thuê mặt bằng của trạm y tế lâu rồi và họa hoằn lắm mới có người bệnh vào để cắt chỉ, thay băng vết thương. Còn phía trên trạm y tế là các bảng hiệu quảng cáo phòng mạch tư của 3 bác sĩ. 
 
Một nhân viên trạm y tế cho biết, chỉ cho bác sĩ thuê làm nơi khám bệnh ngoài giờ. Trong khi đó, trạm y tế chỉ dành ra 1 phòng khám bệnh rộng chưa tới 10m², 1 phòng thay băng cũng tương tự.

Trạm y tế phường 11, quận 10 bị bao vây bởi nhà thuốc, phòng mạch tư. Ảnh: tg.Lâm

Trạm y tế phường 11, quận 10 bị bao vây bởi nhà thuốc, phòng mạch tư. Ảnh: tg.Lâm

 Khi được hỏi về công tác phòng chống dịch bệnh, y sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, quyền Trưởng trạm Y tế phường 11, quận 10, cho biết trạm y tế áp dụng đủ các biện pháp mà Trung tâm Y tế dự phòng quận triển khai. “Địa bàn có 769 hộ có trẻ dưới 5 tuổi, chúng tôi đã phát thuốc diệt khuẩn Cloramin B và tờ rơi tuyên truyền cho các tổ dân phố”, y sĩ Anh nói. 
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi có bao nhiêu hộ dân sử dụng thuốc diệt khuẩn, y sĩ Anh thật thà cho biết qua giám sát chỉ khoảng 50% hộ dân sử dụng thuốc, còn tổ dân phố có phát không thì trung tâm không rõ, chỉ nghe báo lại là có phát cho 600 hộ!
 

  • Èo uột... cán bộ y tế
     

Đã công tác nhiều năm ở trạm y tế nhưng BS Hoàng Văn Bự, Trạm trưởng trạm y tế phường Tân Thuận Đông, quận 7, không khỏi nản lòng vì các chính sách, chế độ cho cán bộ y tế phường quá bọt bèo. Dù toàn phường có tới 1.800 hộ có trẻ dưới 5 tuổi, đòi hỏi công tác dự phòng dịch bệnh cho trẻ rất quan trọng nhưng trụ sở của trạm y tế chỉ là một dãy nhà chật hẹp nằm lọt thỏm trong khuôn viên của UBND phường. 
 
“Chỉ có ngày 17 và 18 hàng tháng tiêm chủng mở rộng hoặc mỗi lần uống vitamin A thì trạm y tế mới đông vui chứ ngày thường, năm thì mười họa mới có người vào xin thuốc BHYT hoặc thay băng”, BS Bự nói. 
 
Trong đợt dịch tay-chân-miệng này, trạm y tế phường cũng đã tuyên truyền đến từng hộ dân, đến các nhà trẻ, trường học. Đồng thời đã phát hơn 100kg thuốc Cloramin B cho các trưởng khu phố nhưng sau đó có phát cho hộ dân không cũng không rõ. “Chỉ có 4 cán bộ làm sao giám sát hết được mấy ngàn hộ dân. Trong khi chuyên trách phòng dịch bệnh chỉ có 1 y sĩ và trưởng trạm thì bao sô hết”, BS Bự than thở. 
 
Theo BS Bự, hiện trạm y tế có tới 13 chương trình sức khỏe gồm phòng chống hen suyễn, lao, kế hoạch hóa gia đình, da liễu, tâm thần, vệ sinh an toàn thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, điều trị BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, tiêm chủng mở rộng, đông y, sức khỏe bà mẹ trẻ em, phòng chống dịch bệnh, tim mạch-huyết áp. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là tiêm chủng mở rộng và phòng chống dịch bệnh. 
 
BS Bự trăn trở: “Bây giờ đứt tay, sổ mũi người dân đều đi bệnh viện hết, mấy ai vô trạm y tế. Có chăng chỉ vài người nghèo đến xin thuốc miễn phí”. Chính vì vậy mà cơ số thuốc được Trung tâm y tế dự phòng quận phát về không dùng hết, đến khi gần hết hạn sử dụng lại trả về. Công việc nhiều là vậy nhưng hiện nhân sự của trạm y tế rất èo uột, lương bổng và phụ cấp cũng không bao nhiêu. 
 
Theo BS Bự, ngoài 1 bác sĩ trưởng trạm, còn lại là y sĩ và nữ hộ sinh và không có chuyên môn chính quy về y tế phòng dịch. Hiện ngoài lương cơ bản, bác sĩ được thêm 600.000 đồng/tháng, y sĩ thêm 300.000 đồng/tháng, tổng cộng trung bình chỉ 2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng.
 
Không chỉ trạm y tế Tân Thuận Đông, hầu hết các trạm y tế khác cũng chung hoàn cảnh. Thậm chí như trạm y tế phường 11, quận 10, quyền trưởng trạm cũng chỉ là y sĩ. Hay trạm y tế phường 12, quận 4 cũng chỉ có 5 người mà trưởng trạm lại là bác sĩ chuyên khoa da liễu, chưa từng kinh qua công tác phòng chống dịch bệnh. 
 
Điều đáng nói, ngoài một số trạm y tế thuộc các quận-huyện vùng ven vẫn còn việc để làm thì nhiều trạm y tế thuộc các quận nội thành, các khu đô thị gần như… ngồi chơi xơi nước. Nguyên do được lý giải là đời sống người dân tăng cao, ngay cả tiêm chủng cũng muốn con em vào các cơ sở y tế lớn và có đứt tay, xước da cũng chạy vô bệnh viện.

Theo Sở Y tế TPHCM, năm 2010 đã chi không thường xuyên tới 30 tỷ đồng sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế nhưng đến nay mới chỉ 238/322 trạm y tế đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, dù có đạt chuẩn cỡ nào thì thực tế cho thấy, hoạt động của các trạm y tế, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn rất nhiều hạn chế.

TƯỜNG LÂM


Bài 2:  Có dịch thì chống, không dịch ngồi... phòng

Trong khi các trạm y tế phường, xã hạn chế cả về chuyên môn lẫn nhân lực phòng chống dịch bệnh thì ngay cả trung tâm y tế dự phòng các quận huyện cũng chẳng sáng sủa gì hơn. Trong khi đó, vai trò tham mưu của trạm y tế, trung tâm y tế dự phòng cho ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của phường - xã, quận - huyện là rất quan trọng. Vì vậy, không mấy ngạc nhiên khi có dịch thì hô hào chống, không dịch thì ngồi tại phòng… chơi.

Năm thì mười họa mới có một trẻ đến khám tại Trạm y tế phường Tân Thuận Đông, quận 7. Ảnh: Tg.Lâm

Năm thì mười họa mới có một trẻ đến khám tại Trạm y tế phường Tân Thuận Đông, quận 7. Ảnh: Tg.Lâm

  • Càng chống, dịch càng tăng

Cũng là địa bàn “nóng” về dịch bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết trong thời gian qua, phường 5, quận 8 sốt sắng lên các phương án phòng chống. Chủ tịch UBND phường 5 Nguyễn Thị Cẩm Hồng lôi ra một chồng công văn, thông báo và nói: “Từ đầu mùa dịch đến nay đã chỉ đạo ráo riết nhưng không hiểu sao dịch vẫn tăng”.

Theo bà Hồng, hàng tháng, phường đều tổ chức họp với các tổ trưởng tổ dân phố, ban điều hành khu phố về phòng chống dịch bệnh. Tuần nào, phường cũng cắt cử người đi giám sát, kiểm tra từng khu phố, nhà dân để xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do chủ quan, chỉ tập trung vào dịch sốt xuất huyết mà không chú ý đến dịch tay-chân-miệng nên đến khi dịch bệnh này bùng phát thì phường trở tay không kịp.

Bà Hồng cho biết, vai trò của trạm y tế phường chủ yếu về chuyên môn nghiệp vụ nhưng công tác tham mưu cách thức phòng bệnh cho UBND còn yếu, chỉ báo cáo ca bệnh là chính mà chưa chỉ ra phải làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh.

Tại cuộc họp với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM mới đây, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh cũng chỉ báo cáo số ca bệnh và một loạt những công văn, chỉ đạo mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện ban hành. Nhận xét, đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh, vị lãnh đạo trạm y tế dự phòng này nêu lên nào là tuyên truyền, tập huấn, tăng cường kiểm tra, phát thuốc diệt khuẩn… nhưng rốt cục là càng chống dịch bệnh càng tăng. Hiện huyện Bình Chánh đã ghi nhận 396 ca mắc tay-chân-miệng, 336 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm 2010.

Mặc dù Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện đầy đủ nhân sự nhưng theo bà Lê Thị Nữ, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban phòng chống dịch bệnh huyện thì do địa bàn phức tạp, dân nhập cư, dự án nhiều nên công tác phòng chống dịch bệnh còn hạn chế. “Một số ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh xã - thị trấn chưa hoạt động hiệu quả, kế hoạch triển khai phòng chống dịch bệnh mang tính chung chung, chưa đi vào cụ thể”, bà Nữ cho biết.

  • Thích thì làm!

* Bác sĩ NGUYỄN ĐẮC THỌ (Phó giám đốc TT Y tế dự phòng TPHCM):

"Các quận, huyện đều phòng chống dịch bệnh theo kiểu dàn hàng ngang. Tức là cái gì cũng làm: địa bàn nào cũng phun xịt, diệt khuẩn, vệ sinh mà không làm đúng trọng tâm, trọng điểm. Đó là chưa kể việc phun, xịt thuốc có đúng nồng độ hay không, có diệt chết vi trùng, vi khuẩn không? Tôi thấy các quận huyện làm nhiều mà không hiệu quả. Có địa phương làm rồi nhưng quan trọng là có giám sát hay không? Quận, huyện nào cũng nói phát Cloramin B cho dân nhưng được mấy hộ dùng, dùng đúng không? Phòng chống dịch bệnh là thường xuyên, liên tục chứ không phải cứ hô hào ra quân vệ sinh, phát thuốc rồi lại thôi".

Từ khi tách ra khỏi trung tâm y tế quận đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 vẫn chưa có nhiều thay đổi đáng kể cả về cơ sở vật chất lẫn nhân sự. Trong đó khoa Kiểm soát dịch bệnh có vai trò rất quan trọng nhưng tuyển mãi không ra người. “Hiện khoa chỉ có 2 bác sĩ nhưng chuyên môn là đa khoa chứ không phải chuyên khoa y tế công cộng. Mọi kiến thức về phòng chống dịch bệnh đều tự cập nhật hoặc qua chỉ đạo”, BS Nguyễn Lê Đăng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 nói.

Ghi nhận cho thấy hiện bình quân trung tâm y tế dự phòng mỗi quận, huyện chỉ có 2 - 3 cán bộ chuyên trách phòng chống dịch bệnh, trong khi với tình hình dịch bệnh ngày càng tăng, Bộ Y tế khuyến cáo chí ít khoa kiểm soát dịch bệnh của mỗi trung tâm cũng phải có 7 - 8 người.

Bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết, từ khi tách y tế dự phòng ra khỏi trung tâm y tế thì quận 4 không tuyển được bác sĩ nào cả. Theo Sở Y tế TPHCM, mỗi năm toàn TP chỉ có khoảng 40 - 50 cử nhân y tế công cộng ra trường và 20 - 25 bác sĩ chuyên khoa y tế công cộng, nhưng phần lớn xin về các bệnh viện làm chứ không muốn về các trung tâm y tế dự phòng. “Năm 2010, trung tâm được thông báo có 2 bác sĩ chuyên khoa y tế công cộng ra trường xin về làm việc. Mừng hết xiết nhưng đợi mãi cũng không thấy đâu”, BS Đăng cho biết.

Hiện công tác phòng chống dịch bệnh vẫn trông chờ chính vào tổ phòng chống dịch bệnh của các phường, xã. Quận 8 có 16 phường và mỗi phường đều có tổ phòng chống dịch bệnh do UBND phường thành lập, chỉ đạo. Thành phần của tổ là nhân viên trạm y tế, cán bộ trật tự đô thị, ban chỉ huy quân sự phường và chủ yếu là các tổ trưởng tổ dân phố. Tổ phòng chống dịch “hỗn hợp” này cũng được tập huấn kiến thức nhận biết bệnh, kỹ thuật phun thuốc, vệ sinh diệt trùng, diệt muỗi, lăng quăng nhưng toàn bộ là làm việc kiêm nhiệm, trình độ hạn chế.

Quận Bình Thạnh, một địa bàn luôn dẫn đầu về số ca mắc sốt xuất huyết hàng năm, có 20 phường, mỗi phường có một tổ chống dịch bệnh với 4 - 5 người và thành phần chủ yếu cũng chỉ là các tổ trưởng tổ dân phố. “Chính vì nhân sự kiêm nhiệm, không chuyên trách nên thành viên thay đổi xoành xoạch. Mỗi lần như thế lại phải tập huấn lại, rất khó khăn”, cán bộ trung tâm y tế dự phòng của một quận than thở. Về quy trình hoạt động của tổ chống dịch cũng theo kiểu… có ca dịch thì làm, không có thì ngồi chơi. Nghĩa là khi nào có ca bệnh được báo cáo về, có địa chỉ cư ngụ ở tổ dân phố nào thì hô hào phun thuốc, vệ sinh ở khu vực đó.

Tường Lâm


  • Lập 10 đoàn kiểm tra, chỉ đạo chống dịch bệnh

(SGGP).- Ngày 2-8, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết (SXH), Bộ Y tế quyết định thành lập 10 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tay - chân - miệng và SXH tại các tỉnh thành trọng điểm. Các đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố được phân công cho tới tháng 9-2011. Đồng thời phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur hướng dẫn triển khai phòng bệnh và xử lý triệt để ổ dịch.

Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, tính từ đầu năm tới nay, số ca mắc tay - chân - miệng ở nước ta đã tăng 4,4 lần so với năm trước, trung bình mỗi tuần ghi nhận 1.800 - 2.200 ca mắc mới. Đến nay, cả nước có trên 23.353 trường hợp mắc tay - chân - miệng tại 49 địa phương, trong đó có 70 trường hợp tử vong. Trong khi đó, theo dự báo, dịch bệnh này sẽ tăng trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11. 

K.Nguyễn

Tin cùng chuyên mục