
Hơn một năm sau ĐHCĐ bất thường (vào giữa tháng 6-2006), điều không bình thường đã xảy ra tại CTCP Đay Sài Gòn: 2 HĐQT của công ty đang hoạt động song hành vì cuộc chiến pháp lý vẫn chưa có hồi kết. CP của nhà đầu tư theo đó cũng “án binh bất động”.
Tiếc cho đất vàng

Trụ sở CTCP Đay Sài Gòn nằm tại địa chỉ 11 Công trường Mê Linh, phường Bến Nghé, có hướng nhìn ra sông Sài Gòn với 3 mặt tiền đều giáp đường lớn. Một vị trí hội đủ các yếu tố để xếp vào vị trí “vàng” của TPHCM nên nhiều công ty đầu tư địa ốc nước ngoài rất chú ý.
Hiện mặt tiền công ty đã được cho Ngân hàng ANZ thuê và phía trong dành cho nhiều doanh nhiệp nước ngoài khác thuê làm văn phòng. Song đến nay chưa có một công ty nào tiếp cận để đề nghị hợp tác khai thác khu đất vàng trên.
Do những tranh chấp nội bộ của công ty này vẫn đang tiếp diễn và đến giờ này vẫn chưa ai “danh chính ngôn thuận” là người đại diện trước pháp luật của công ty, nên khu đất được đánh giá tối thiểu 200 tỷ đồng nay vẫn ngủ yên trong sự tiếc nuối của giới đầu tư địa ốc. Không chỉ có trong tay khu đất vàng trên, CTCP Đay Sài Gòn còn sở hữu khá nhiều bất động sản là nhà, đất đã xây dựng xong …, nhất là bất động sản nằm tại quận 4. Điều này đã vô tình gây thiệt hại không chỉ cho công ty mà còn cho cổ đông không nằm trong “nhóm tranh chấp quyền lực”.
Tranh chấp đã gây thiệt hại lớn, làm doanh thu của công ty giảm sút nhanh chóng. Năm 2005 đạt 80 tỷ đồng, sang 2006 chỉ còn 42 tỷ đồng và đầu đầu năm đến nay, doanh thu chưa đến 14 tỷ đồng.
Buồn cho cổ đông
Trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103000699 vẫn còn hiệu lực do Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cấp ngày 6-4-2005, ghi người đại diện pháp luật của công ty là ông Trần Hải Âu với chức danh chủ tịch HĐQT. Nhưng “cuộc đảo chính” thông qua ĐHCĐ bất thường vào ngày 15-6-2006 và kéo dài đến nửa đêm đã truất phế ông chủ tịch HĐQT này.
Mặc dù có đến 48 đại biểu đại diện cho 157.938 cổ phần (chiếm tỷ lệ 99,81%) tham dự đại hội, song nghị quyết của ĐHCĐ bất thường trên vẫn chưa được nội bộ công ty thông qua nên hai bên đã dẫn nhau ra tòa. Vì theo nghị quyết trên thì ông Nguyên Văn Khảm sẽ thay thế vị trí của ông Trần Hải Âu. Ngày 25-7, tòa án tiến hành hòa giải lần cuối, nếu cả hai không đi đến sự hòa giải, chắc chắn cuộc kiện tụng lại xảy ra. Và điều này càng làm suy yếu thêm doanh nghiệp.
Tranh chấp đã làm khó cho cổ đông và cả… ngành chức năng. Bởi chỉ trong vòng một tuần, ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án Tòa án nhân dân TPHCM đã ký Quyết định số 152 ngày 16-7- 2007 phủ quyết toàn nội dung Quyết định 146 ngày 10-7-2007, cũng do ông ký trước đó. Do quyết định tạm thời của tòa, mọi giao dịch liên quan đến giấy tờ phát sinh của công ty này đều phải mang sang tòa để đóng dấu! Phòng thi hành án hiện là nơi quản lý con dấu của CTCP Đay Sài Gòn.
Vụ việc kéo dài khá lâu không những tạo ra hình ảnh xấu về “hậu cổ phần hóa”, mà còn tạo những tiền lệ khá hy hữu với doanh nghiệp. Vậy mà chưa thấy ai đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư nhỏ khi đã “lỡ” tham gia vốn vào Đay Sài Gòn. Một giải pháp tối ưu hiện nay là tổ chức ĐHCĐ công khai, minh bạch, để khai thông mọi mâu thuẫn, chọn ra người đứng đầu giúp doanh nghiệp lấy lại đà phát triển hơn là khẩu chiến tại toàn án.
Hồng Trường