Giáo dục đại học cũng “thắt lưng buộc bụng”

Bất chấp mưa to gió lớn, hàng ngàn sinh viên Anh đã xuống đường ở thủ đô London để phản đối tăng học phí và tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học. Các cuộc biểu tình ở Anh diễn ra vài ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 22-11 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào tháo gỡ cho ngân sách khu vực trong 7 năm tới.

Cuộc biểu tình của sinh viên và giáo viên ở Anh chỉ là một trong những cuộc biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách giáo dục tại hầu hết các nước châu Âu trong bối cảnh châu lục này đang ngắc ngoải trong cơn suy thoái tài chính. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn của các trường đại học khác nhau trên toàn lục địa, nhưng nhìn chung, dù khác nhau như thế nào, chiến lược cải tổ hệ thống giáo dục của các trường đại học khắp châu Âu hiện nay đều theo hướng sáp nhập.

Trong số 11 nước bị khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất, Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland là những nước ngân sách giáo dục đã bị cắt giảm từ 10% đến 14% trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng” này. Mới đây, St. Patrick’s College, trường cao đẳng sư phạm danh tiếng đào tạo giáo viên hơn 135 năm qua của Ireland, vừa nhận được thông báo cho biết chuẩn bị sáp nhập với một trường đại học khác.

Đầu năm tới, các nhà quản lý giáo dục đại học Ireland dự kiến sẽ công bố “Viễn cảnh giáo dục mới”, phác thảo cấp độ của các trường đại học sau khi hợp tác hoặc sáp nhập lại với nhau. Sẽ còn ít trường hơn, nhưng sẽ làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên, Ireland đang đối mặt với 2 vấn đề song song. Trong khi ngân sách giáo dục ngày càng thu hẹp, quốc gia này đang chuẩn bị đón nhận một lượng sinh viên khổng lồ khoảng 250.000 em, sinh ra từ cuối thập niên 1990, giai đoạn bùng nổ dân số, chuẩn bị vào đại học.

Cũng như Ireland, Hà Lan chuẩn bị đón hơn 650.000 học sinh vào đại học. Chính phủ Hà Lan cũng siết ngân sách giáo dục, chỉ trợ cấp kinh phí cho những trường đại học nào chứng minh được thành quả đào tạo xuất sắc và có hiệu quả, chẳng hạn sinh viên ra trường có việc làm ngay, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện tại.

Những thay đổi của hệ thống đại học của Ireland là một phần xu hướng ngày càng lớn mạnh của chiến lược cải tổ giáo dục trong bối cảnh các nước châu Âu đang cố gắng cân bằng ngân sách đang thiếu hụt bằng cách xã hội hóa chi phí giáo dục bậc cao. Nơi ngân sách giáo dục bị cắt giảm mạnh nhất diễn ra ở Anh và kinh phí trả lương cho giáo viên hiện nay phụ thuộc vào học phí của học sinh, nên hiệu ứng tiêu cực bùng phát mạnh hơn bất kỳ nơi nào ở châu lục già. Học phí của sinh viên hiện nay tăng gấp 3 lần, lên đến 9.000 bảng (14.350 USD) một năm, góp phần “đẩy” học phí của các trường đại học Anh lên hàng đắt nhất châu Âu và đứng thứ 3 trên thế giới (sau Mỹ và Hàn Quốc).

Đại diện các nước EU hồi đầu tháng này đã có cuộc gặp đầu tiên để báo cáo về việc thực hiện Tiến trình Bologna, một nỗ lực để tạo được một khu vực giáo dục đại học châu Âu để có thể thu hút sinh viên từ bên trong lẫn bên ngoài châu Âu (nhằm cạnh tranh với Mỹ). Nhưng xem ra, nỗ lực này đang bị rào cản. Du học tại lục địa già xem chừng không còn hấp dẫn trong thời điểm hiện nay.

Tờ Telegraph mới đây dẫn số liệu của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Anh (UCU) cho biết, 7 trong số 24 trường đại học hàng đầu nước này đang dư thừa ghế ở giảng đường.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục