Giáo dục thẩm mỹ cho học sinh

Giáo dục thẩm mỹ là giáo dục để người học có nhận thức đúng đắn và tương đối đầy đủ về cái đẹp nói chung, cái đẹp trong nghệ thuật nói riêng, về các nền văn hóa, văn minh, các trường phái nghệ thuật, về những điều đối lập với cái đẹp (cái xấu, cái ác)…
Giáo dục thẩm mỹ cho học sinh

Giáo dục thẩm mỹ là giáo dục để người học có nhận thức đúng đắn và tương đối đầy đủ về cái đẹp nói chung, cái đẹp trong nghệ thuật nói riêng, về các nền văn hóa, văn minh, các trường phái nghệ thuật, về những điều đối lập với cái đẹp (cái xấu, cái ác)…

Học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành trong giờ mỹ thuật

Giáo dục thẩm mỹ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh. Một trong những lợi ích lớn nhất là định hướng thẩm mỹ, để trẻ nhận ra đâu là cái đẹp, đâu là cái bản thân mình hướng tới, thay vì để trào lưu, số đông lôi cuốn. Giáo dục thẩm mỹ phù hợp còn giúp trẻ có thể khám phá, phát triển sáng tạo và trí tưởng tượng tốt hơn. Có được những điều đó, không chỉ giúp trẻ phát triển năng lực và tư duy mà còn định hướng nghề nghiệp tích cực. Chẳng hạn, qua giáo dục thẩm mỹ, trẻ có xu hướng gần gũi với những sáng kiến, sáng tạo thay vì phải gò bó trong những khuôn mẫu đã có, thì dường như trẻ có khuynh hướng theo học những ngành có thể có sự tìm tòi, phát minh (như lập trình, sáng tác…).

Giáo dục thẩm mỹ đúng cách còn làm cho người học tôn trọng và hiểu các nền văn hóa, các giá trị khác nhau của xã hội đa dạng, không cảm thấy kỳ thị với các biểu hiện văn hóa khác nhau, không tự ti với bản sắc văn hóa thuộc nhóm thiểu số của mình, không tự đại với một nền văn hóa có nhiều sản phẩm đại diện.

Điều quan trọng là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập ngày càng sâu rộng, trẻ phải thấy rằng cần tiếp thu với những tinh hoa văn hóa, những nét đặc sắc của các nền văn minh nhưng đồng thời gìn giữ và phát huy các bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đất nước mình. Qua đó, giúp trẻ có nền tảng tích cực để có một tâm thế hội nhập phù hợp, chủ động, thay vì để quá trình hội nhập cuốn vào, bắt đầu từ việc chịu ảnh hưởng thụ động đối với các biểu hiện văn hóa nước ngoài, hoặc trở nên tự coi thường nền văn hóa của dân tộc mình là lạc hậu, tầm thường…

Do đó, trong thời gian tới, học sinh phổ thông cần được giáo dục thẩm mỹ nhiều hơn; trong chương trình cần có một môn học về nội dung này, vừa nâng thời lượng vừa bổ sung nội dung. Dĩ nhiên, để dạy tốt thì giáo viên đứng lớp cũng cần có những kiến thức và kỹ năng về giáo dục thẩm mỹ.


TRÚC GIANG (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục